Giới siêu giàu London đua nhau xây tầng hầm "khủng"

ANTĐ - Mới đây, một tòa nhà trị giá 5 triệu USD ở Barnes, phía Tây London, nước Anh bị sập trong quá trình thi công tầng hầm “khủng”. Đây là xu hướng mới nhất của giới siêu giàu nước Anh khi họ chạy đua xây dựng tầng hầm khổng lồ để làm khu vui chơi giải trí, để trưng bày xe ô tô đắt tiền và thậm chí cả sân tennis riêng.
Giới siêu giàu London đua nhau xây tầng hầm "khủng" ảnh 1

Đa dạng các mô hình tầng hầm khổng lồ để “đại gia” London lựa chọn

Không tâng cao được thì... đào sâu

Người dân địa phương nhanh chóng đổ lỗi rằng nguyên nhân khiến công trình xây dựng ở Barnes gặp sự cố là do cơ ngơi vốn có 6 phòng ngủ này đang bị đào lên để xây một tầng hầm khổng lồ làm rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, phòng giặt là… Đơn vị thi công khẳng định phần bị sập chỉ là một phần của “tòa nhà cũ” và không liên quan đến “hầm băng trôi” - cụm từ mà người ta hay dùng để chỉ những tầng hầm kiên cố của giới nhà giàu London. Đáng chú ý đây là ngôi nhà cổ có tiếng ở Barnes, từng là nơi ở của ông Ebenezer Cobb Morley, một thành viên sáng lập Liên đoàn bóng đá Anh, là người có công lập ra những quy tắc của bóng đá hiện đại.

Tại Thủ đô của Vương quốc Anh, chiều cao của các tòa nhà bị hạn chế, vì vậy, giới nhà giàu buộc phải đào sâu thêm xuống dưới đất để có không gian sống rộng hơn. Điển hình của xu hướng này là tầng hầm của người phụ nữ giàu nhất nước Anh hay tầng hầm của triệu phú Jon Hunt - người sáng lập Công ty bất động sản Foxtons. Ông Jon Hunt mới được cấp phép xây dựng công trình hầm ngầm mở rộng dưới nhà của mình, gồm một sân tennis và một bảo tàng xe hơi.

Triệu phú này quả là may mắn với dự án xây hầm ngầm 5 tầng của mình bởi nếu theo quy định mới, khu vực quận Kensington ở London không được phép xây tầng hầm quá 1 tầng. Một ví dụ khác, ông John Caudwell, một triệu phú bán lẻ của Anh, đang tạo ra một tầng hầm khổng lồ kết nối nhà chính của mình với khu chuồng ngựa ở cuối khu vườn của mình. Lạ lùng nhất, một khu đất nằm dưới khu biệt thự ở London được quảng cáo là “tầng hầm chưa đào xới” thậm chí được bán đấu giá với giá 150.000 bảng Anh.

Matthew Bell, một biên tập viên của tạp chí Tatler cho biết, ông sống trên con phố ở quận Chelsea, dần dần các ngôi nhà ở đây có người mới mua về rồi xây dựng tầng hầm. Thực ra, có những tầng hầm xây nhưng không sử dụng vì trông tối tăm, ảm đạm và đôi khi chỉ vì “hầm của tôi phải lớn hơn của anh”. Có những nhà giàu xây hầm chỉ để dành cho nhân viên ở.

Giới siêu giàu London đua nhau xây tầng hầm "khủng" ảnh 2

Công trình ở Barnes, London bị sập khi đang xây rạp chiếu phim dưới tầng hầm

Lo ngại trước trào lưu mới

Việc xây dựng, cải tạo tầng hầm có nghĩa là hàng nghìn tấn đất, vật liệu xây dựng phải vận chuyển tại những công trình này, khối lượng lớn hơn nhiều so với các công trình thông thường. Người dân sống quanh các công trình này ngoài những phiền toái về tiếng ồn cũng không khỏi lo ngại về những ảnh hưởng đến sự ổn định kết cấu nhà của họ.

Brian May, tay guitar của ban nhạc Queen gần đây phát biểu trên tờ báo địa phương: “Tôi đã phải chịu đựng 7 năm nay, bắt đầu từ việc xây dựng 3 tầng hầm trên phố nhà tôi ở, nhưng từ đó hiện tượng này ngày càng phổ biến hơn. Bạn có thể nghĩ rằng, một chút tiếng ồn có là gì, nhưng nếu cứ năm này qua năm khác, 6 ngày một tuần bạn phải chịu đựng nó. Rồi cứ nghĩ đến ngôi nhà bạn không an toàn, người ta sẽ nổi đóa lên vì bị căng thẳng liên tục”.

Đánh giá về thực trạng này, Scott Goldstein, một luật sư tại Công ty luật Howard Kennedy cho rằng: “Về mặt cấu trúc, việc phát triển tầng hầm trên quy mô lớn mà chúng ta đang chứng kiến, cụ thể là đục khoét, đào sâu xuống một khu vực rộng lớn là một hiện tượng mới và pháp luật đang phải cố bắt kịp xu hướng này”.

Trong khi đó, Matt Brereton của Công ty bất động sản Chesterton nhận định: “Mở rộng tầng hầm là một xu hướng ngày càng tăng, nhưng nếu không được thực hiện một cách chính xác, điều này dễ dẫn đến sai lầm. Cùng một diện tích nhưng việc xây ngầm dưới đất tiêu tốn gấp ba so với xây trên mặt đất. Vì vậy, chúng tôi khuyên mọi người tiêu chí đầu tiên chọn lựa là phải hợp lý, thận trọng và nghiên cứu mọi mặt vấn đề”.