Giàu quá cũng lo

(ANTĐ) - Afghanistan là một trong những “vựa” khoáng sản lớn nhất thế giới đã không còn là giả thuyết. Nhưng tiềm năng khổng lồ vừa được phát hiện có đưa đến phồn vinh cho đất nước Nam Á này hay không thì lại là câu hỏi khó trả lời.

Giàu quá cũng lo

(ANTĐ) - Afghanistan là một trong những “vựa” khoáng sản lớn nhất thế giới đã không còn là giả thuyết. Nhưng tiềm năng khổng lồ vừa được phát hiện có đưa đến phồn vinh cho đất nước Nam Á này hay không thì lại là câu hỏi khó trả lời.

Khai thác mỏ ở Afghanistan
Khai thác mỏ ở Afghanistan

Phát biểu với báo giới hôm 14-6, Đại tá D. Lapan, Phát ngôn viên của Lầu Năm góc, cho biết một cuộc khảo sát do Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) tiến hành đã phát hiện Afghanistan có nguồn dự trữ khoáng sản lớn hơn nhiều lần so với các số liệu đã công bố trước đó.

Giá trị của những mỏ khoáng sản này, bao gồm lithium, sắt, vàng, niobi và coban.., ước tính gần 1.000 tỷ USD. Riêng về lithium, vốn được sử dụng để sản xuất pin cho điện thoại di động và máy tính xách tay, Afghanistan có tiềm năng chẳng kém gì nhà cung cấp lớn nhất thế giới - Bolivia. Sự giàu có về khoáng sản của Afghanistan ấn tượng đến mức tướng D. Petraeus, Chỉ huy Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ tại Afghanistan, phải thốt lên: “Tiềm năng của nước này thật đáng kinh ngạc”.

Ấy thế nhưng trái với tuyên bố đầy lạc quan của Cố vấn Bộ Khoáng sản Afghanistan rằng, các mỏ khoáng sản mới phát hiện này “sẽ trở thành trụ cột của nền kinh tế Afghanistan”, ông R. Ebel - cố vấn cấp cao về an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) lại tỏ ra bi quan. Ông cảnh báo: “Mỏ khoáng sản mới phát hiện có thể là một kho báu lớn, nhưng cũng có thể là một tổ ong bò vẽ”.

Những mỏ khoáng sản mới phát hiện phân bố khắp các nơi ở Afghanistan, cả phía đông, phía nam và khu vực biên giới với Pakistan, nơi quân đội Mỹ và Taliban hay có những cuộc xung đột dữ dội nhất. Việc phát hiện ra những mỏ khoáng sản giàu có này có thể kích thích Taliban chống đối mạnh mẽ hơn nhằm tìm cách giành lại quyền kiểm soát Afghanistan và các khu mỏ để kiếm lợi.

Lo ngại hơn là nguồn tài nguyên này có thể làm sâu sắc thêm mâu thuẫn sắc tộc tồn tại từ bao đời nay ở Afghanistan. Giữa người Pashtun chiếm đa số và các sắc tộc ít người ở miền Bắc là Tadzic, Uzbek, Hazaris luôn có sự hiềm khích. Trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1990, Liên minh phương Bắc (của người Tadzic, Uzbek, Hazaris) và người Pashtun đã nhiều lần trút thù hận lên nhau qua những hành động rất tàn bạo.

Khi Mỹ mở cuộc tấn công Afghanistan, Taliban bị đánh bại bởi sức mạnh của không quân Mỹ và lực lượng bộ binh thuộc Liên minh phương Bắc. Ấy thế nhưng sau khi tiếp quản Kabul, “miếng bánh” quyền lực lớn nhất lại thuộc về người Pashtun chiếm đa số. Thiệt thòi đó người miền Bắc đâu đã quên, nhất là khi “miếng bánh” mới là nguồn tài nguyên bất ngờ xuất hiện.

Đặc biệt, đối với người dân Afghanistan ở những vùng xa xôi hẻo lánh, tinh thần bộ tộc còn mạnh. Họ giữ lòng trung thành với lãnh chúa hơn là ủng hộ chính phủ dân chủ trung ương. Họ vâng lời các lãnh chúa hơn là chấp hành luật pháp chính phủ. Các lãnh chúa này chắc sẽ chẳng để chính quyền trung ương rảnh tay khai thác tài nguyên trên vùng đất của mình.

Hoàng Sơn