Giao dịch ngầm của cảnh sát với tội phạm buôn người

ANTD.VN - Tờ DW (Đức) đưa tin, 2 cảnh sát làm việc ở khu vực biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đuổi việc vì có dính líu đến tội phạm buôn người di cư. Bulgaria hiện là điểm trung chuyển trên “tuyến đường yêu thích” của người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Serbia đến các quốc gia ở khu vực Tây Bắc châu Âu.

Áp lực về lượng người di cư qua Bunlgaria ngày càng tăng

Tham nhũng có mặt ở khắp mọi nơi

“Thật đáng xấu hổ, không có cách nào để biện minh cho tội lỗi này”, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cho biết trong một cuộc họp báo gần đây. Đây cũng là tuyên bố đầu tiên của ông Boyko Borissov kể từ khi vụ liên quan giữa lực lượng cảnh sát phụ trách biên giới quốc gia và băng nhóm tội phạm buôn người di cư bị đưa ra ánh sáng.

Thủ tướng Boyko Borissov cũng đã có hành động rất quyết liệt là sa thải 2 quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát biên giới là Antonio Angelov và Yotko Andreev. 

Kết quả điều tra cho thấy, ngày 8-8, ông Angelov đã ký hợp đồng với một công ty có tên là Edelvais 0707 để vận chuyển người tị nạn bị giam giữ tại biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đến trại tị nạn ở Bulgaria.

Trước đó, vào tháng 6, chủ sở hữu của công ty, ông Grigor Toshkov đã bị buộc tội buôn người di cư. Ông Grigor Toshkov bị bắt khi lái xe chở 66 người Iraq và Afghanistan không có giấy tờ tùy thân.

Mặc dù vào thời điểm đang bị điều tra, công ty của ông Toshkov vẫn giành được chiến thắng trong vụ đấu thầu công khai trị giá 100.000 Euro. Với gói thầu này, công ty của ông Toshkov được sử dụng xe chở người di cư về các trại tị nạn ở Bulgaria.

Trong nhiều tháng nay, tin đồn về những giao dịch kinh doanh ngầm liên quan đến việc buôn bán người tị nạn ở Bulgaria đã được lan truyền. Cựu Cảnh sát trưởng biên giới Bulgaria - Valeri Grigorov nói với DW trong một cuộc phỏng vấn rằng, tham nhũng là một vấn đề lớn trong lực lượng cảnh sát nước này.

“Có mối quan hệ đối tác kinh doanh giữa những kẻ buôn người, lực lượng tuần tra biên giới và cảnh sát Bungaria. Sự hợp tác này có những người phụ trách  “chống lưng”, ông Grigorov nói. Ông Grigorov cũng nói thêm, vụ bê bối đã xác nhận nghi ngờ của ông là hoàn toàn có cơ sở  - “100.000 Euro phải được dùng để hỗ trợ các biện pháp an ninh dọc biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ chứ không thể giúp những kẻ buôn lậu ngày càng giàu có.

Hợp đồng mà cảnh sát biên giới ký với công ty bị buộc tội buôn người là dấu hiệu cho thấy, tổ chức này không quan tâm người hợp tác với mình là ai. Hợp đồng này chỉ phục vụ lợi ích cá nhân người đứng đầu tổ chức. Tham nhũng đã có mặt ở khắp mọi nơi”.

Áp lực về người di cư tăng mạnh

Ông Atanas Merdshanov của Đảng Xã hội cho rằng, từ lâu các chính trị gia và báo chí đã gióng hồi chuông cảnh báo nạn buôn bán người di cư ở Bulgaria có sự chấp thuận ngầm của chính quyền. Phản ứng của Chính phủ trong vụ tai tiếng này sẽ không giải quyết được gì nếu không có giải pháp mạnh trước áp lực người di cư ngày càng lớn ở khu vực biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Số lượng người di cư được đưa trở lại Bulgaria từ Serbia có xu hướng ngày càng tăng. Phát ngôn viên của quân đội Serbia - Jovan Krivokapic cho biết, từ ngày 22-7 đến nay, Serbia đã gửi 2.275 người nhập cư bất hợp pháp từ Syria, Afghanistan và Pakistan trở lại Bulgaria. 

Phần lớn những người di cư không muốn tị nạn ở Bulgaria - một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu mà muốn tiếp tục di chuyển vào trung tâm châu Âu. Ông Hristo Tersijski, Giám đốc lực lượng cảnh sát Bungaria cho biết, áp lực về số lượng người di cư đã tăng nhanh trong tháng 8-2016.

Kể từ đầu tháng, đã có 1.858 người cố gắng di chuyển bất hợp pháp qua biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ thì quốc gia này đã đề nghị Bulgaria xây dựng cơ chế hợp tác song phương để kiểm soát cuộc khủng hoảng người tị nạn. Theo đó, Thủ tướng Bulgaria Borissov sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara vào cuối tháng 8 tới đây.