Gian nan việc khôi phục quan hệ song phương Nga - Mỹ

ANTD.VN - Matxcơva ủng hộ xây dựng mối quan hệ văn minh với Mỹ và điều này cần thiết không chỉ đối với Nga mà cả với Mỹ, cũng như có ảnh hưởng tới tình hình trên thế giới. Đó là tuyên bố của Đại diện Thường trực Nga tại LHQ Vassily Nebenzia.

Gian nan việc khôi phục quan hệ song phương Nga - Mỹ ảnh 1Đại diện Thường trực Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (trái) và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ)

Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định Mỹ không tin tưởng Nga và loại trừ khả năng mối quan hệ song phương phát triển. Phát biểu với báo giới, ông Nebenzia nhấn mạnh: “Đây không phải lần đầu tiên bà Haley phát biểu như vậy. Bà đã nói về điều này nhiều lần, cả chính thức và không chính thức”. 

Quan hệ Nga-Mỹ là một trong những mối quan hệ nước lớn phức tạp nhất trên thế giới. Xem xét từ quá trình phát triển của quan hệ Nga-Mỹ, từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đến nay, một trong những đặc trưng quan trọng của quan hệ song phương là vừa đối kháng vừa hợp tác, nhưng về tổng thể thì đối kháng nhiều hơn hợp tác, mà đối kháng có đặc điểm mang tính chiến lược, lâu dài và tổng thể, còn phần lớn hợp tác chỉ giới hạn ở cấp độ sách lược, tạm thời và cục bộ. Sự đối đầu về sức mạnh quân sự và tiềm lực hạt nhân cũng dẫn đến hai nước khó xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau.   

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm chính quyền ở Nga vào năm 2000, quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua rất nhiều sự kiện quan trọng như vụ tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 11-9-2001, cách mạng sắc màu ở Ukraine từ năm 2004 đến 2005, xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia vào năm 2008, cuộc khủng hoảng Ukraine và Crimea trở về nước Nga vào năm 2014, Nga can thiệp một cách toàn diện vào xung đột tại Syria vào năm 2016... Những sự kiện này đều được coi là cuộc đọ sức chiến lược quyết liệt giữa Nga và Mỹ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh bởi nó liên quan trực tiếp đến yếu tố địa chiến lược và vị thế chiến lược toàn cầu. Những tranh chấp đó tạo thành đường hướng chủ yếu của quan hệ Nga-Mỹ gần 20 năm qua. 

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, sự thù địch ở mức độ chiến lược của Mỹ đối với Nga không có sự thay đổi về cơ bản. Dù ông chủ Nhà Trắng nhiều lần tỏ thiện chí đối với Tổng thống Putin và Nga, nhưng khi thực hiện chiến lược đối ngoại tổng thể của Mỹ, Nga vẫn là một sự hiện diện “không mấy vui vẻ”. Từ cuối năm 2017 đến nay, Mỹ liên tục đưa ra các báo cáo như Chiến lược an ninh quốc gia, Báo cáo an ninh quốc phòng…, trong đó xác định Nga là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Vì thế, trong thời khắc lịch sử, thế giới từng hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 16-7 tại Helsinki (Phần Lan) có thể thúc đẩy khôi phục đối thoại giữa hai nước. Đại sứ Nga tại LHQ Nebenzia cũng khẳng định điều này.

Điều đáng chú ý là ý nghĩa thực sự của cuộc gặp thượng đỉnh lần này là đã mở ra cánh cửa để hai nước đối thoại chiến lược cấp cao, hai bên sẽ tăng cường trao đổi cấp cao, thành lập tiểu ban công tác cấp cao thúc đẩy sự trao đổi kinh tế thương mại, đồng thời chỉ định đại diện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và Hội đồng An ninh Liên bang Nga tiếp tục thúc đẩy, thực hiện các vấn đề liên quan của cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump - Tổng thống Nga Putin và thành quả của cuộc hội đàm. 

Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này là một cuộc gặp trù bị hướng đến tương lai của quan hệ Nga-Mỹ, mở ra hy vọng cho sự phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.