Giải quyết xong “điểm nóng” Ukraine, EU sẽ xem xét vấn đề Crimea

ANTĐ - Ngày 17-11, Ngoại trưởng Italia, Paolo Gentiloni cho biết, vấn đề thống nhất đất nước Crimea với Nga sẽ được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thảo luận ngay sau khi cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine được giải quyết triệt để. 

Giải quyết xong “điểm nóng” Ukraine, EU sẽ xem xét vấn đề Crimea  ảnh 1Cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels vào ngày 17-11

Crimea đã được lãnh đạo Liên Xô cũ, Nikita Khrushchev trao tặng như một “món quà” cho Ukraine vào năm 1954. Tuy nhiên, sau một cuộc trưng cầu dân ý về thống nhất vào tháng 3-2014, Crimea đã quay trở lại sáp nhập vào Nga.

Ông Gentiloni cho hay, EU không công nhận các hoạt động trưng cầu dân ý tại Crimea, Liên minh cũng không chấp nhận việc Crimea “tự ý” sáp nhập vào Liên bang Nga. Các vấn đề về việc sáp nhập này sẽ được đưa ra thảo luận và xem xét sau khi cuộc nội chiến tại Ukraine được giải quyết.

Vị ngoại trưởng cũng chỉ ra rằng, sự sáp nhập của Crimea là một trong những lý do khiến EU vẫn tiếp tục giữ lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Ngoại trưởng Gentiloni khẳng định, EU đã quyết định cố gắng để không tăng thêm lệnh trừng phạt với Điện Kremlin về tình hình Ukraine. Mặc dù vậy, Liên minh lại  kéo dài thêm danh sách đen những người có liên quan đến phe ly khai sẽ bị cấm đi vào các nước EU tại cuộc họp ở Brussels ngày 17-11.

Đáp trả lại động thái “lấp lửng” của EU, tại cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình 24 TV, Andrey Kelin, đại diện thường trực của Nga tại OSCE cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU và các nước phương Tây sẽ không có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Nga và khẳng định Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng các chính sách của mình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine, Pavlo Klimkin  lại cho rằng, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm mục đích đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận Minsk chứ không làm “tổn thương” Moscow. Sau cuộc hội đàm với Đại diện của Ủy ban châu Âu tại Brussels, ông nói: “Trừng phạt là một công cụ quan trọng đối với sự ổn định. Xử phạt không nhằm mục đích làm tổn hại đến Nga mà chỉ là biện pháp nhằm “gây áp lực thực sự” vào Nga để ổn định tình hình ở Donesk và Lugansk”.

Tuy nhiên, thực tế các biện pháp trừng phạt của EU đã thực sự làm “tổn thương” nền kinh tế của Nga. Đồng ruple của Nga tiếp tục giảm so với đồng euros trên thị trường tài chính, các doanh nghiệp Nga đang gặp nhiều khó khăn khi các công ty châu Âu hủy hợp đồng và đẩy giá cả leo thang.

Không chỉ Moscow mà EU cũng sẽ chịu những tổn thất nhất định khi áp đặt các lệnh trừng phạt. Rất có thể nền kinh tế của Liên minh châu Âu sẽ tổn thất khoảng 40 tỉ euro trong năm nay và tăng lên tới 50 tỉ euro vào năm tới do hậu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt cũng khiến mâu thuẫn nội bộ EU gia tăng, do tác động của biện pháp trừng phạt đối với mỗi nước thành viên không cân bằng.