Giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

ANTĐ - Ngày 16-11, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brisbane (Australia) đã bế mạc. Tuyên bố chung đưa ra khi kết thúc hội nghị khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, đề ra hơn 1.000 biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và tự do hóa thương mại. 

Giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông  ảnh 1Các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)

Cụ thể, các nhà lãnh đạo đã thống nhất, trước năm 2018, GDP của các nước thành viên G20 tăng ít nhất 2,1%, đồng nghĩa tạo thêm 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và hàng triệu cơ hội việc làm.

 Tuyên bố chung của hội nghị G20 năm nay cũng đề cập tới việc thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tham nhũng trong “Kế hoạch Hành động Brisbane” cũng như ngăn chặn tình hình dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Ngoài ra, hội nghị còn khẳng định thúc đẩy thực hiện hiệu quả biện pháp xử lý, chống biến đổi khí hậu, trong đó, Mỹ - Nhật – Đức – Pháp cam kết sẽ tài trợ vài tỷ USD vào Quỹ Green Climate của Liên hợp quốc.

Ngoài mục tiêu thúc đẩy kinh tế, các nước phương Tây cũng tận dụng hội nghị cấp cao này để tạo thêm áp lực với Nga và cảnh báo Trung Quốc. Tại cuộc họp bên lề hội nghị G20 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận về khủng hoảng Ukraine, Tổng thống B.Obama cảnh báo, nếu Nga không có hướng đi khác trong vấn đề Ukraine thì nước này có nguy cơ bị cô lập sâu sắc hơn. 

Trong khi đó, liên quan tới tranh chấp trên biển, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm bên lề với lãnh đạo Australia và Nhật Bản, trong đó, nhấn mạnh lập trường “giải quyết hòa bình” tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nguyên thủ 3 nước đã kêu gọi tự do lưu thông trên biển và trên không, cũng như việc cần có giải pháp hoà bình cho các tranh chấp trên biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Các nguyên thủ cũng cam kết siết chặt mối quan hệ hợp tác an ninh của 3 nước tại châu Á - Thái Bì̀nh Dương trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các tuyên bố chủ quyền hung hăng tại khu vực này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị bế mạc, Thủ tướng Australia Tony Abbott tin tưởng, nếu các nước G20 hợp tác, sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra và đem lại lợi ích nhiều hơn cho người dân toàn cầu, đồng thời thông báo Trung Quốc là nước tổ chức hội nghị G20 năm 2016.