Bộ quy tắc về các vụ va chạm không báo trước (CUES):

Giải pháp ngăn đụng độ trên Biển Đông

ANTĐ - Bất chấp hàng loạt tuyên bố và lời kêu gọi của ASEAN trong nhiều năm và gần đây nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì về sự cần thiết phải giảm căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động được xem là gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông. 

Giải pháp ngăn đụng độ trên Biển Đông  ảnh 1

Tàu Trung Quốc cố tình phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở vùng biển nước ta tháng 5-2014

Trong bối cảnh này, đề xuất về Bộ quy tắc về các vụ va chạm không báo trước (CUES) được cho là giải pháp giúp ngăn chặn các vụ đụng độ ngoài ý muốn ở vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí chiến lược trọng yếu này. 

Trên báo Straits Times của Singapore, chuyên gia bình luận Mergawati Zulkafar nhận định rằng Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN đã diễn ra mới đây tại Viêng Chăn (Lào) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Báo này cho biết, theo một số nhà ngoại giao, tính chất nghiêm trọng trong những hoạt động này của Trung Quốc đã khiến hội nghị tại Viêng Chăn chứng kiến “nhiều người thụ động và nghi ngờ” bắt đầu nhận ra thực tế ở thực địa.

Một nhà ngoại giao nói rằng nhiều Ngoại trưởng đã đề cập mạnh mẽ về vấn đề này và họ bày tỏ quan ngại sâu sắc liên quan đến những động thái của Trung Quốc. Sự quan ngại nghiêm trọng này đã được phản ánh trong tuyên bố của Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith với báo chí ở thời điểm cuối Hội nghị hẹp.

Tuyên bố có đoạn: “Các Ngoại trưởng vẫn quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra, lưu ý về những quan ngại đã được một số Bộ trưởng bày tỏ về hoạt động cải tạo, lấn biển và leo thang hoạt động trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, có thể đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Tuy nhiên, như thường thấy, không có dòng nào đề cập đến Trung Quốc.

Biển Đông đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong các Hội nghị ASEAN và “gây chia rẽ” các nước trong khu vực từ nhiều năm qua. Một số nước thành viên khác cũng ngần ngại chỉ trích công khai Trung Quốc do Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn của ASEAN. Trung Quốc và ASEAN từ lâu đã phối hợp để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết hàng hoạt vấn đề các nước có chủ quyền tranh chấp phải đối mặt.

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được hoàn thiện và ký kết năm 2002. Tuyên bố này tái khẳng định cam kết của các bên đối với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các quy định quốc tế khác trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Tuyên bố cũng khẳng định các nước ASEAN và Trung Quốc cần giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện”.

Tuy nhiên, trong tuần qua đã xuất hiện một diễn biến đáng chú ý, khi Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thông báo Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí thăm dò đề xuất liên quan Bộ quy tắc về các vụ va chạm không báo trước (CUES) mở rộng đến các tàu của lực lượng tuần duyên (Cảnh sát biển) nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ ngoài ý muốn trên Biển Đông. Singapore hiện là quốc gia có trách nhiệm điều phối quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Theo ông Balakrishnan, điều quan trọng giờ đây là áp dụng Bộ quy tắc này để giúp Biển Đông trở nên an toàn hơn và xây dựng lòng tin trong khi Trung Quốc và ASEAN đẩy nhanh quá trình đàm phán COC.

Trên thực tế, đề xuất của Singapore không mới. Tư lệnh Hải quân Malaysia Ahmad Kamarulzaman Badaruddin đã kêu gọi mở rộng CUES tại Hội nghị An ninh biển và giám sát ven biển diễn ra tại Kuala Lumpur tháng 12-2015. CUES đã được 21 quốc gia thành viên Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương ký kết năm 2014, áp dụng với các tàu và máy bay hải quân. Bộ quy tắc này không có ý nghĩa ràng buộc và đã được Trung Quốc cùng 8 quốc gia ASEAN ký kết.

Mặc dù vậy, đề xuất của ông Badaruddin vẫn được nhiều đại biểu hoan nghênh, đồng thời coi là một bước tiến trong bối cảnh giới chức ASEAN cùng với Trung Quốc vẫn đang thảo luận về COC. Đến nay, hải quân Malaysia đã áp dụng CUES và muốn triển khai nó cho các lực lượng tuần duyên trong khu vực, bao gồm cả Cơ quan thực thi Luật Biển Malaysia. Khi Ngoại trưởng Singapore đề xuất mở rộng CUES với người đồng cấp Vương Nghị, Trung Quốc cho biết sẽ nghiên cứu vấn đề này. 

 Đề xuất này được xem là tiến triển, hoàn toàn là biện pháp xây dựng lòng tin. Nó thể hiện cho cộng đồng quốc tế biết rằng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông. Vậy liệu đề xuất trên có tháo gỡ được căng thẳng trong khu vực hay không? Không ai có thể đảm bảo điều đó.

Tuy nhiên, vấn đề này gần như chắc chắn được đưa ra trong Cuộc họp nhóm công tác (JWG) ASEAN - Trung Quốc về Biển Đông diễn ra ở Manila từ 9-3. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong năm nay và JWG này dự kiến tiếp tục thảo luận về vấn đề thực thi COC.