Giải pháp hòa bình ở Syria thất bại, Mỹ - Nga leo thang căng thẳng mới

ANTD.VN - Phía Mỹ vừa bất ngờ dọa cắt đứt liên lạc ngoại giao về Syria với Nga và bắn tin sẽ dùng giải pháp mạnh hơn đối với chiến dịch tấn công Aleppo của quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga, trong đó có cả lựa chọn quân sự. Bất chấp cảnh báo của Mỹ, Nga tuyên bố vẫn tiếp tục hành động ở Syria và sẽ không áp dụng các hành động đơn phương.

Tại cuộc điện đàm diễn ra vào hôm 28-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Nga gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Syria Bashar al - Assad, buộc quân đội quốc gia Trung Đông này ngừng tấn công vào Aleppo và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Trao đổi với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ bóng gió về trách nhiệm của Nga đối với những thiệt hại mà quân đội Syria gây ra ở Aleppo, bao gồm các công trình dân sự, các đoàn viện trợ nhân đạo, bệnh viện và trường học ở Syria.

Mỹ nhấn mạnh, lực lượng không quân Nga và Syria đã tấn công vào bệnh viện, gây thiệt mạng cho dân thường và nhân viên y tế. “Nga nói rằng họ đến Syria để chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, sử dụng tầm ảnh hưởng để giải quyết xung đột ở Syria bằng biện pháp hòa bình… Nhưng những gì họ nói và làm là hoàn toàn khác nhau”, người đứng đầu Lầu Năm góc nói.

Trước tình hình này, một số chính trị gia Mỹ đã gây sức ép yêu cầu Chính phủ Mỹ phải mạnh tay với những điều mà họ gọi là “vi phạm nhân quyền” ở Syria. Cũng trong cuộc điện đàm diễn ra vào hôm 28-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ đã bắt đầu thảo luận “các biện pháp phi ngoại giao” để đáp trả các hành động vi phạm chế độ ngừng bắn ở Syria. 

Đây là lời cảnh báo cứng rắn và sắc lạnh nhất của giới chức Mỹ nhằm vào Nga kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Mỹ vừa đạt được sụp đổ hôm 19-9. Nỗ lực chung của Nga và Mỹ là nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria liên tục bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau của các bên có liên quan. Cái vòng luẩn quẩn của giao tranh - ngừng bắn chưa chịu dừng lại và và sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ, các bên tiếp tục quay sang đổ lỗi cho nhau và chỉ trích lẫn nhau.

Các phương án đã được các quan chức Mỹ đem ra bàn. Một trong số đó là cung cấp thêm vũ khí cho phe đối lập, bật đèn xanh cho các nước đồng minh vùng Vịnh viện trợ vũ khí cho phe đối lập (đặc biệt là vũ khí phòng không vác vai loại hiện đại).

Thế nhưng, phương án này có nguy cơ làm cho vũ khí rơi vào tay khủng bố IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Một phương án khác là gửi thêm lực lượng đặc nhiệm Mỹ tới huấn luyện và tư vấn cho lực lượng người Kurd và phiến quân đối lập Syria.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ, không hài lòng với việc Mỹ hỗ trợ cho người Kurd. Đã vậy, thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ còn xích lại gần Nga. Phương án đặc biệt được chú ý là quân đội Mỹ tiến hành không kích các sân bay quân sự của Syria. Tuy nhiên, quân đội Nga hiện diện nhiều tại đây nên hành động quân sự quyết đoán như vậy có thể gây thương vong cho quân nhân Nga và tất yếu tạo ra sự va chạm “nảy lửa”.

Tình hình Syria đã trở nên hết sức căng thẳng từ hôm 21-9 vừa qua sau khi các hành động quân sự lại tiếp diễn ở thành phố Aleppo - thành phố lớn nhất ở miền Bắc Syria. Trong hai ngày 24, 25-9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập họp khẩn cấp để thảo luận tình hình căng thẳng ở Aleppo. Trong phiên họp này, Mỹ và Anh đã chỉ trích mạnh mẽ Nga và đổ lỗi cho Nga phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo và tiến hành ném bom vào các khu vực dân cư.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitali Churkin đã trình bày rõ chi tiết về quan điểm của Nga đối với vấn đề này. Theo đó, Nga chỉ thực hiện các cuộc ném bom vào các khu vực do lực lượng Dzebhat an-Nusra kiểm soát.  Ông Vitali Churkin cũng khẳng định rằng việc đưa Syria quay trở lại thời kỳ hòa bình “gần như là không thể” và Nga sẽ không áp dụng các hành động đơn phương.

Chính vì vậy bất chấp “đe dọa” của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 29-9 thông báo lực lượng không quân Nga sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự ở Syria, để hỗ trợ quân Chính phủ Syria và chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố ở nước này. Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Nga ngày càng căng thẳng nhưng ông Peskov cam kết Matxcơva vẫn quan tâm đến việc hợp tác với Washington nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Ủng hộ quan điểm của chính quyền Matxcơva, Đại diện của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stefan Dyuzharrik khẳng định vai trò then chốt của sự hợp tác giữa Mỹ và Nga. “Vai trò hàng đầu của họ trong thiết lập chế độ ngừng bắn ở Syria là rất quan trọng” - ông Stefan Dyuzharrik nhấn mạnh.