Giải mật tài liệu mở màn cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak

ANTD.VN - Ngày 12-5, Chính phủ Malaysia cho biết, báo cáo kiểm toán về Quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia (gọi tắt là 1MDB) đã được công khai sau khi tân Thủ tướng Mahathir Mohammad ra lệnh cho cảnh sát dỡ bỏ dấu niêm phong “mật”. Quyết định giải mật tài liệu này mở đầu cho cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng được đánh giá là lớn nhất lịch sử Malaysia kể từ khi giành độc lập.

Bản báo cáo được xếp loại “mật” vào ngày 22-1-2016, sau đó được chuyển đến Ủy ban Kế toán công hồi tháng 3-2016 và liên quan trực tiếp đến cựu Thủ tướng Najib Razak, người bị cáo buộc nắm vai trò lớn làm thất thoát 3,7 tỷ USD từ các giao dịch với nước ngoài thông qua 1MDB. Đây không phải lần đầu Quỹ 1MDB bị các nhà điều tra của Malaysia đề cập đến.

Tuy nhiên, từ 2014, khi quỹ này báo nợ hơn 11 tỷ USD cho đến nay, các hoạt động điều tra đều không chứng minh được sai phạm của những nhà điều hành quỹ. Dư luận Malaysia cho rằng, đó là do ông Najib Razak còn đang nắm giữ vai trò Thủ tướng Chính phủ Malaysia. Nhưng mọi việc đã khác từ sau cuộc tổng tuyển cử hôm 9-5, ông Najib Razak thất bại khi tái tranh cử và bị đưa vào diện điều tra tham nhũng. 

Giải mật tài liệu mở màn cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak ảnh 1Quỹ Đầu tư Nhà nước Malaysia Vì một Malaysia phát triển (1MDB)

Vụ bê bối 1MDB diễn ra như thế nào?

Công ty Phát triển 1Malaysia (1Malaysia Development Berhad - 1MDB) được thành lập vào năm 2009 ngay sau khi ông Najib Razak, nhậm chức Thủ tướng Malaysia. Mục tiêu của quỹ là nhằm thu hút đầu tư vào Malaysia bằng cách thành lập các liên doanh với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, vào năm 2014, công ty đã phải vật lộn để trả các khoản nợ lên tới hơn 11 tỷ USD.

Khoản nợ khổng lồ này là do 1MDB thực hiện các chiến lược đầu tư ra nước ngoài nhưng hoàn toàn không có khả năng thu hồi vốn. Trong đó phải kể đến hợp đồng đối tác với một công ty dầu khí nhỏ của Saudi Arabia được 1MDB bơm vào khoảng 1 tỷ USD vào năm 2009. Các điều tra viên cho rằng, một phần trong số tiền đó không được thể hiện trên sổ sách. Trọng tâm là một giao dịch từ năm 2012, trong đó IPIC, một quỹ nhà nước của Abu Dhabi, đã đồng ý làm người bảo lãnh cho 1MDB. Tuy nhiên, các ngân khoản đến hạn theo thỏa thuận phải được trả cho công ty con của IPIC, nhưng cuối cùng lại được chuyển khoản cho một công ty không liên quan có trụ sở tại Quần đảo British Virgin, nơi mệnh danh là thiên đường thuế.

Quỹ đầu tư 1MDB từng là trung tâm của cuộc điều tra mà chính quyền Malaysia và ít nhất 5 quốc gia khác đang thực hiện. Ngân hàng Trung ương Singapore hồi cuối tháng 7-2016 tuyên bố những phát hiện gần đây về 1MDB làm ảnh hưởng đến uy tín của Singapore như một trung tâm tài chính minh bạch và đáng tin cậy. Giới chức Singapore đang điều tra các dòng vốn liên quan đến 1MDB về các hành vi có thể như rửa tiền, gian lận chứng khoán và các vi phạm khác trái quy định của Singapore. Singapore đã tịch thu số lượng tài sản trị giá 240 triệu đô la Singapore (176,82 triệu USD) trong cuộc điều tra các dòng vốn có nghi vấn.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ đang kiện đòi 1MDB trả 1 tỷ USD trong số tiền bị cáo buộc chiếm dụng thông qua các tài khoản ngân hàng ở Mỹ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tiền của 1MDB được dùng để trang trải cho lối sống xa hoa của “nhiều cá nhân, bao gồm cả công chức” Malaysia.

Ngày 3-7-2015, tờ Wall Street Journal cho hay, các điều tra viên Chính phủ Malaysia phát hiện ra gần 700 triệu USD được chuyển từ 1MDB, vòng qua các tổ chức chính phủ, ngân hàng và các công ty có liên quan tới quỹ này, để đến tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib trong tháng 3-2013. Số tiền này chia thành 2 lần chuyển khoản với trị giá 620 triệu USD và 61 triệu USD. Thời điểm chuyển khoản là 2 tháng trước cuộc tổng tuyển cử. Đây là thời điểm gây tranh cãi vì 1MDB có thể được tạo ra để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Văn phòng Thủ tướng bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng đây là động cơ “phá hoại chính trị” nhằm làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế, làm hoen ố chính phủ và loại bỏ Thủ tướng được bầu dân chủ. 

Giải mật tài liệu mở màn cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak ảnh 2Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak trước những cáo buộc tham nhũng

Thất bại trong cuộc tổng tuyển cử là do mất lòng tin

Trong khi tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố người tiền nhiệm Najib Razak có thể bị khởi tố trong tương lai gần, có nhận định cho rằng ông Najib có thể bị kết án dưới 20 năm tù và chịu một khoản phạt không ít hơn 5 lần số tiền nhận hối lộ và giá trị tài sản không chứng minh được nguồn gốc. 

Vụ bê bối liên quan tới Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cử tri Malaysia không còn tin tưởng vào chính quyền của ông Najib, chuyển sang ủng hộ phe đối lập, làm nên chiến thắng vang dội của Liên minh Hy vọng (PH). 

Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 9-5, ông Najib đã từ chức Chủ tịch Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) và Chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, muốn sang Indonesia nghỉ ngơi vài ngày. Tuy nhiên, cuối cùng, cựu Thủ tướng Najib và vợ ông đã không thể ra khỏi biên giới đất nước bởi có tên trong danh sách cấm xuất cảnh của Cục Quản lý di trú. Ngày 18-5, Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (PDRM) đã thu giữ 72 túi đựng trang sức, hàng loạt ngoại tệ và tài sản có giá trị tại căn hộ cao cấp của gia đình cựu Thủ tướng Najib Razak ở đường Jalan Raja Chulan. Số hiện vật này được cho là có liên quan đến Quỹ 1MDB.

Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (CCID) Amar Singh Ishar Singh cho biết, ngoài số túi đồ trên, cảnh sát còn thu giữ 284 hộp chứa hàng loạt túi xách hàng hiệu xa xỉ cũng như  két sắt và các tài liệu được cho là liên quan đến Quỹ 1MDB. Cục trưởng Amar cho biết, cuộc khám xét tại căn hộ chung cư này chỉ là một trong 6 địa điểm liên quan đến ông Najib trong vụ điều tra Quỹ 1MDB. 

Giải mật tài liệu mở màn cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak ảnh 3Cảnh sát khám nhà ông Najib Razak và thu giữ khối tài sản lớn

Những cáo buộc mới với cựu Thủ tướng Najib Razak

Ngày 15-5, ông Abdul Razak Idris - cựu Giám đốc Bộ phận Tình báo và Điều tra trực thuộc Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã đến cơ quan này tố cáo rằng khi còn tại vị, ông Najib đã lợi dụng chức vụ ngăn chặn MACC điều tra bê bối liên quan tới 1MDB và Công ty Quỹ hưu trí (KWAP). Ngoài ra, theo ông Idris, ông Najib còn có tài sản bất minh, cần phải công khai. 

Ông Idris cho biết thêm, sở dĩ ông dũng cảm đứng ra tố cáo ông Najib vì muốn MACC lập tức mở lại cuộc điều tra về bê bối ở 1MDB và KWAP, làm rõ các cáo buộc liên quan tới tham nhũng, rửa tiền… Theo ông Idris, cơ quan chấp pháp Malaysia có thể hợp tác với Thụy Sĩ, Mỹ, Singapore và các nước khác điều tra về nguồn tiền và tài sản của 1MDB ở nước ngoài, nhanh chóng phát hiện, dẫn độ và đưa ra xét xử Low Teak Jho (một nhà tài chính Malaysia bị cáo buộc dính líu tới vụ bê bối ở 1MDB) cùng các quan chức 1MDB khác. Ngoài ra, ông Idris còn cho biết, sẽ tố cáo với cơ quan cảnh sát về những nhân viên công vụ đã cố tình giúp một số quan chức thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, không bị tịch thu tài sản. 

Liên quan tới số phận của người tiền nhiệm, ngày 15-5, ông Mahathir tuyên bố ông Najib có thể sớm bị truy tố. Phát biểu qua truyền hình với cuộc họp của Hội đồng CEO do tờ The Wall Street Journal tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản), ông Mahathir tin tưởng các công tố viên sẽ sớm đưa ra các bằng chứng thuyết phục, đưa ông Najib ra tòa vì dính líu bê bối của 1MDB. Trong một phát biểu được tờ New Strait Times của Malaysia dẫn lại, ông Mahathir cho biết chân tướng vụ việc đang dần hiện ra, rất nhiều quan chức cao cấp tự nguyện cung cấp thông tin liên quan bằng văn bản và ông Najib có thể bị truy tố trong tương lai gần.