Giải mã vũ khí chiến lược mới của Mỹ giúp "kiềm chế" Trung Quốc tại châu Á

ANTD.VN -  Ngày 31-12-2018, Tổng thống Mỹ D. Trump ký ban hành chính thức Đạo luật "Sáng kiến Trấn an châu Á" (ARIA). Đạo luật thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao giữa Chính quyền và Quốc hội Mỹ trong việc xử lý những thách thức an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; được coi là một trong các biện pháp của Mỹ nhằm từng bước kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

ARIA: Giải pháp kiềm chế Trung Quốc

Tháng 4-2018, Thượng nghị sỹ Cory Gardner đã đề xuất Đạo luật ARIA tại Thượng viện Mỹ, điều đáng chú ý là Đạo luật được một số thượng nghị sỹ ủng hộ và bảo trợ, trong đó phải kể đến Thượng nghị sỹ Marco Rubio và Todd Young (thuộc Đảng Cộng hòa); Thượng nghị sỹ Ben Cardin và Ed Markey (thuộc Đảng Dân chủ).

8 tháng sau, ARIA được Thượng viện Mỹ thông qua và được Hạ viện phê chuẩn ngày 12-12-2018. Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi lời cám ơn tới Quốc hội và Tổng thống Mỹ vì đã ký thông qua Đạo luật ARIA. Như vậy, đạo luật được thông qua trong bối cảnh Mỹ-Trung tạm đình chiến thương mại 90 ngày kể từ 1-12-2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Trấn an châu Á (ARIA) (Nguồn: Reuters)

Theo giới truyền thông Mỹ, Đạo luật ARIA là "phiên bản châu Á" của Sáng kiến Trấn an châu Âu (ban hành hồi tháng 6-2014) và tiếp nối Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (tháng 8-2017). Điểm khác biệt là ARIA coi trọng các biện pháp chính trị, ngoại giao, đề cao tăng cường mạng lưới đồng minh, đối tác cả song phương và đa phương, đồng thời cam kết đầu tư tài chính cụ thể.

Đạo luật là động thái mới nhất, thể hiện tầm nhìn chiến lược và có nguyên tắc của Chính quyền Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (ÂĐD-TBD), khẳng định sự nhất quán khi liên kết với các chính sách ban hành trước đó của Tổng thống D. Trump như Chiến lược ÂĐD-TBD (công bố hồi tháng 11-2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam), Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (ban hành vào tháng 12-2017) và Chiến lược Quốc phòng mới (hồi tháng 1-2018), với các mục đích: (1) Gia tăng ảnh hưởng, đảm bảo các lợi ích về chính trị, an ninh, kinh tế và sự phổ biến các giá trị của Mỹ (dân chủ, nhân quyền); (2) Tăng cường các động thái ủng hộ đồng minh, đối tác của Mỹ; (3) Cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực và buộc Trung Quốc phải tuân thủ trật tự, dựa trên luật pháp quốc tế.

Giới chuyên gia đánh giá, việc ban hành Đạo luật ARIA sẽ giúp Tổng thống D. Trump xử lý yêu cầu đối nội và đối ngoại:

Thứ nhất, về đối ngoại. Theo các nội dung chính của Đạo luật, Mỹ muốn tái khẳng định cam kết với các đồng minh ở khu vực ÂĐD-TBD (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) sẽ chi 1,5 tỷ USD/năm trong 5 năm (từ năm 2019 đến 2023) để tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Mỹ cũng sẽ thiết lập các quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á, trong đó có hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) cùng các đồng minh ở biển Hoa Đông và Biển Đông; khẳng định vai trò của Mỹ trong giải quyết các vấn đề an ninh (an ninh hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng...); đồng thời tập trung nguồn lực đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Ngoài ra, ARIA cũng cho phép Chính quyền Mỹ trừng phạt các tổ chức hoặc chính phủ "đánh cắp" tài sản sở hữu trí tuệ - vấn đề gây tranh cãi lớn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc).

Thứ hai, về đối nội. Việc Tổng thống Mỹ D. Trump ký Đạo luật ARIA cùng 12 đạo luật khác trong ngày cuối cùng của năm 2018, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng nhất trí thông qua ARIA là thông điệp của Mỹ cảnh báo với Trung Quốc rằng, không chỉ 2 đảng Cộng hòa - Dân chủ mà cả Quốc hội với Chính quyền Mỹ đang "dần" có sự đồng thuận và quyết tâm cao về cạnh tranh chiến lược toàn diện. Ngoài ra, việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đạt được nhất trí chung về ARIA còn thể hiện cam kết nỗ lực không để chính sách của Chính quyền D. Trump dao động, chệch hướng “cực đoan”, phương hại đến uy tín và lợi ích quốc gia của Mỹ.

Những tác động đan xen

Việc triển khai đạo luật ARIA của Mỹ sẽ tạo ra những tác động đan xen, cả tích cực lẫn tiêu cực đối với các nước khu vực ÂĐD-TBD:

Thứ nhất, về tác động tích cực. ARIA hướng tới việc củng cố vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực ÂĐD-TBD; thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện của Mỹ với các nước trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ công nghệ quốc phòng và thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn về mặt chiến lược giữa Mỹ và các nước. ARIA thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng COC nhằm tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông, đồng thời bảo đảm các lợi ích hàng hải của ASEAN.

Thông qua Đạo luật, Quốc hội Mỹ dường như muốn "cẩn trọng" hơn, tránh để Trung Quốc “lèo lái” COC theo ý mình. ARIA sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ thực hiện cam kết bảo vệ an ninh cho các nước đồng minh tại khu vực, thúc đẩy buôn bán vũ khí cho các nước đồng minh và đối tác.

Đạo luật được coi là vũ khí chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Nguồn: RT)

Ngoài ra, ARIA là cơ sở quan trọng để Mỹ triển khai các biện pháp ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực; hạn chế và buộc lòng Trung Quốc phải hành xử "có trách nhiệm" và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông;

Thứ hai, về tác động tiêu cực. Ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ-Trung Quốc tại khu vực châu Á có thể làm tăng nguy cơ đối đầu, đẩy các nước khu vực vào thế khó phải lựa chọn bên hoặc thậm chí trở thành đối tượng thỏa hiệp nước lớn. Chính quyền Mỹ có thể sẽ gia tăng áp đặt các vấn đề dân chủ, nhân quyền trong đàm phán, hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam.

Giới phân tích tỏ ra lo ngại, Chính quyền Mỹ có thể thông qua chương trình hợp tác chống khủng bố mới ở Đông nam Á trên cơ sở ARIA, áp dụng một số điều khoản của Luật Ủy quyền sử dụng quân đội (AUMF) để can thiệp vào các điểm nóng an ninh ở khu vực phục vụ các mục tiêu chính trị của Mỹ. Trên thực tế, năm 2017, Mỹ đã đưa vũ khí và lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ Philippines chống lại phiến quân Maute thân với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại thành phố Marawi.

Những khó khăn và thách thức

Giới chuyên gia nhận định, trong quá trình triển khai đạo luật ARIA, sẽ gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, tính khí thất thường của Tổng thống D. Trump. Như truyền thông Mỹ cho biết, giờ đây, hình thức liên lạc chính từ Nhà Trắng là thông qua các dòng Twitter của ông D. Trump vang lên khắp nước Mỹ, khiến các cơ quan Chính phủ và các nghị sỹ đôi khi phải "giật mình thảng thốt". Trung tuần tháng 12-2018, quyết định thông báo rút quân khỏi Syria của ông Trump khiến các nghị sỹ Đảng Cộng hòa sửng sốt vì họ chưa được hỏi ý kiến hay tham vấn. Bất chấp lời khuyên từ đảng của mình, ông Trump vẫn để Chính phủ đóng cửa vì thiếu ngân sách cho "Bức tường biên giới" với Mexico như lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông... Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tiếp tục hoài nghi về cam kết quốc phòng của Mỹ, khi chính quyền Mỹ không ngừng thúc ép các nước chia sẻ chi phí quốc phòng (đặc biệt trong NATO).

Thứ hai, so sánh với nguồn tài chính của Trung Quốc. Tại Đại hội Đảng Cộng sản (ĐCS) lần thứ 19 năm 2017, Trung Quốc đã có kế hoạch dài hạn nhằm thay thế vị trí “vai trò trung tâm" trên thế giới của Mỹ. Trung Quốc cũng chuẩn bị cho 2 sự kiện thế kỷ: 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc vào năm 2021 và 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa năm 2049. Năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo về việc cung cấp một khoản đầu tư lớn 113 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở ÂĐD-TBD, song dường như nó "không là gì" so với con số hơn 80 tỷ USD mà Trung Quốc đã đầu tư cho Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) tại khu vực trong 5 năm qua.

Thứ ba, lo ngại bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Nhiều quốc gia lo ngại nếu tham gia các chương trình thuộc khuôn khổ ARIA của Mỹ, có thể bị xem là công khai về phe Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt ARIA.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump ký ARIA, ngày 2-1-2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt lên án Mỹ, cho rằng nước này đang cổ vũ siết chặt các quan hệ chính trị và an ninh với Đài Loan. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc, Đạo luật ARIA đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một nước Trung Quốc", can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, xâm phạm đến “lợi ích cốt lõi” của nước này.

Đáng chú ý, ngày 2-1-2019, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố "Thư gửi đồng bào Đài Loan", Chủ tịch Tập Cận Bình đã ngầm chỉ trích Mỹ khi cho rằng nước này tìm cách can dự sâu vào vấn đề Đài Loan. 

Riêng đối với ASEAN, ngoài việc phải tránh phản ứng của Trung Quốc khi tham gia các hoạt động của Mỹ trong khuôn khổ đọa luật ARIA, một số nước ASEAN còn lo ngại việc thúc đẩy nhóm "Bộ Tứ" (Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia) sẽ khiến vai trò trung tâm của ASEAN bị suy giảm trong thời gian tới.