Giải mã những chỉ trích của Tổng thống Mỹ về chi tiêu quốc phòng NATO

ANTD.VN - Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), cơ quan ra quyết định chính trị quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ấn định thời điểm tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng liên minh vào ngày 3 đến ngày 4-10 tới.

Giải mã những chỉ trích của Tổng thống Mỹ về chi tiêu quốc phòng NATO ảnh 1Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 12-7-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tỏ ra không hài lòng với tốc độ chậm chạp của NATO trong việc tăng chi tiêu quốc phòng

Cuộc họp, không được NAC tiết lộ cụ thể chương trình nghị sự, sẽ diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng bởi hàng loạt những bất đồng nội bộ. Đặc biệt, các nước thành viên NATO đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Mỹ trong việc tăng chi tiêu cho quốc phòng ở mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dành 20% ngân sách quốc phòng để mua sắm trang thiết bị quân sự. 

Đây là cam kết mà các quốc gia thành viên NATO đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014, theo đó, tất cả 29 quốc gia thành viên đạt mục tiêu ngân sách dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong một thập kỷ (tức đến năm 2024). 

Hiện nay, NATO đánh giá khoảng 8 thành viên có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2018 và 16 thành viên đang nỗ lực để đạt được mục tiêu như hạn định. Tuy nhiên, đến Hội nghị thượng đỉnh NATO tại  Brussels (Bỉ) hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Trump lại khiến toàn bộ liên minh sửng sốt với tuyên bố nhấn mạnh các đối tác phải tăng chi tiêu trước thời hạn, vào tháng 1-2019, và thậm chí tăng gấp đôi (lên 4%), nếu không “Mỹ sẽ rút khỏi NATO”.  

Theo đánh giá của ông chủ Nhà Trắng, các nước thành viên NATO rất chậm trễ trong việc thực hiện cam kết tăng ngân sách quốc phòng. Tài khoản mạng xã hội Twitter của Tổng thống Trump tràn ngập những lời chỉ trích NATO: “Cực kỳ thiếu công bằng!”, “Không thể chấp nhận được!”,… và sau đó là những màn công kích Đức, quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu, một cách không khoan nhượng. 

Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã gửi thư cho các nhà lãnh đạo Canada, Bỉ, Đan Mạch,   Na-uy và Đức với những lời lẽ nặng nề. Đặc biệt với Đức, Trump viết: “Việc Đức tiếp tục chi tiêu quốc phòng dưới mức cam kết đang làm xói mòn an ninh của liên minh”. Các bức thư đó có cùng khuôn mẫu, đều có nội dung rằng: “Mỹ ngày càng gặp khó khăn trong thuyết phục người dân về lý do tại sao một số nước tiếp tục không đáp ứng các cam kết an ninh chung” trong khi Washington luôn phải gồng mình gánh những khoản chi phí quân sự cao cho các đồng minh khiến ngân sách thâm hụt. Washington hiện chi trả khoảng 22% chi phí vận hành NATO, bao gồm trụ sở và trang thiết bị được đầu tư chung.

Tổng thống Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên có quan điểm cứng rắn với các nước đồng minh về chi tiêu quốc phòng. Các chuyên gia tại Mỹ và châu Âu đều thừa nhận rằng các chính quyền của Mỹ từ sau những năm 1950 đều liên tục đưa ra yêu cầu này đối với các đối tác châu Âu của mình. Nhưng ngữ điệu và thời điểm đưa ra những bức thư của Tổng thống Trump đã gióng lên hồi cảnh báo đối với các nước châu Âu, ẩn chứa sự đe dọa về khả năng Mỹ điều chỉnh hiện diện quân sự ở “lục địa già” nếu các nước đồng minh không đẩy nhanh việc thực hiện cam kết. Tình trạng này cũng làm dấy lên mối nghi ngờ về tương lai các cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, đằng sau những bất đồng về vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính giữa Mỹ và NATO hiện nay là gì? 

Xét cho cùng, Tổng thống Trump không đồng tình với ý tưởng cho rằng Mỹ nên bảo vệ châu Âu, vì vậy điều mà ông thắc mắc là tại sao Mỹ lại phải chi cho tất cả những kế hoạch này? Quan điểm của Tổng thống Trump muốn lợi dụng tâm lý cảm thấy có lỗi của châu Âu khi chưa chi tiêu cho quốc phòng một cách hợp lý, cũng như những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi một liên minh quân sự mà suốt 69 năm qua Washington vẫn được xem là trụ cột chiến lược quan trọng nhất để buộc các đối tác phải nhượng bộ trong vấn đề khác mà ông thực sự quan tâm: giảm thâm hụt ngân sách cho nước Mỹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây có thể là nước cờ khi Tổng thống Mỹ đưa ra một giao kèo về việc tiếp tục đảm bảo an ninh cho châu Âu để đổi lấy những nhượng bộ kinh tế từ châu lục này. 

Thương mại là mối ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump, đồng nghĩa với việc cam kết bảo đảm an ninh cho châu Âu phải đem lại những “lợi nhuận” thực sự cho Mỹ. Vì thế, những lời chỉ trích và phàn nàn về châu Âu mà ông chủ Nhà Trắng liên tục đưa ra sẽ chưa chấm dứt chừng nào Mỹ vẫn chịu thâm hụt thương mại với các đối tác bên kia Đại Tây Dương.