Giải mã nguyên nhân vì sao chim trời lại lao vào máy bay

ANTĐ - Đã từ khá lâu bí ẩn về việc tại sao các loài chim có đủ độ nhanh nhẹn để tránh né mọi thứ lại bị đâm vào những chiếc máy bay hay xe tải không còn được nhắc đến do chưa có lời giải. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất từ phía các nhà khoa học đã phần nào giải thích được về hiện tượng này.

Một trong những vụ va chạm giữa chim và máy bay nổi tiếng nhất thế giới xảy ra ở New York, Mỹ vào năm 2009, khi chiếc phi cơ chở khách bị chim đâm vào làm hỏng động cơ. Phi công sau đó đã cho máy bay hạ cánh ngay giữa sông Hudson. Toàn bộ hành khách an toàn sau khi được các xuồng cứu hộ lao ra nơi "hạ cánn bất đắc dĩ" đón.

Mũi của chiếc Boeing 737 bị chim đâm thủng một lỗ lớn

Số vụ va chạm giữa máy bay với động vật ở Mỹ vẫn đang gia tăng hàng năm, từ 1.793 vụ năm 1990 lên hơn 9.600 vụ năm 2010. Trong đó, 97,2% số vụ liên quan đến chim, theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ. 70% số vụ xảy ra khi máy bay đang ở độ cao dưới 150 m.

Vì sao máy bay ‘sợ’ chim trời?

Về mặt lý thuyết các máy bay lớn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2 kg. Tuy nhiên, có tới 36 loài chim tại Bắc Mỹ có trọng lượng trung bình lớn hơn thế, trong khi ngay cả những loài chim nhỏ như sáo đá cũng có thể làm hỏng động cơ cực mạnh của máy bay.

Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Trọng lượng của chim cũng là một yếu tố, nhưng khác biệt tốc độ có vai trò lớn hơn. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần. 

Máy bay rơi tại Neepan do đâm phải đại bàng

Dale Oderman, một giáo sư giảng dạy bộ môn kỹ thuật hàng không tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết chim là mối nguy hiểm lớn đối với phi cơ, đặc biệt là trong lúc cất cánh. “Ngỗng trời và các loài chim lớn đáng sợ hơn chim nhỏ. Khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt. Chiếc cánh gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác”, ông nói.

Ở Việt Nam, chuyện chim va vào động cơ khiến các chuyến bay phải hoãn tuy hi hữu nhưng cũng không hiếm xảy ra. Sáng ngày 24/7/2014, VietJetAir cũng phải hoãn một chuyến bay tại sân bay Nội Bài, cũng vì lý do "chim trời va vào chim sắt”.

Giải mật nguyên nhân chim thường “tấn công” máy bay

Để tiến hành tìm hiểu rõ nguyên nhân về hiện tượng này của loài chim, một nhóm các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Thiên nhiên hoang dã thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Ohio, kết hợp cùng hai trường đại học khác là Indiana và Purdue đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để nghiên cứu chi tiết hơn về hiện tượng này. 

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, những con chim mà họ nghiên cứu thường không thể tránh được những phương tiện giao thông có tốc độ di chuyển nhanh hơn 120 km/h. Về cơ bản, chúng vẫn có thể tránh được cái chết không may này bằng cách chọn đúng thời điểm được cảnh báo và chuyển hướng bay khác như trong sơ đồ đã được các nhà khoa học tính toán dưới đây.

Trong một thí nghiệm đi sâu hơn, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên một con chim chìa vôi trong căn phòng tối. Bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo, họ đã thử nghiệm con chim bị xe tải đâm nhiều lần với tốc độ từ 60 - 360 km/h (tốc độ bay thường thấy của một số máy bay nhỏ và tốc độ cất cánh của một số máy bay thương mại). 

Hậu quả của một vụ va chạm với chim 

Sau đó khi tiến hành đo phản ứng của con chim, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nó dường như phản ứng dựa trên khoảng cách chúng cảm nhận được với xe tải và thay vào đó thì bỏ qua tốc độ "khủng khiếp" mà chiếc xe tải đang lao tới.

Các nghiên cứu cũng thấy rằng, các loài chim thường có xu hướng bắt đầu bay khi đối tượng chỉ còn cách khoảng 30 mét. Đồng thời, do khoảng cách bắt đầu cất cánh và cảnh giác của loài chim có sự tương đồng với tốc độ của các phương tiện giao thông, nên chúng thường gặp nguy hiểm đúng vào những thời điểm mà tốc độ của các phương tiện cao hơn cả.

Trong khi hầu hết các loài chim đều có thể xử lý dễ dàng các tình huống với các đối tượng di chuyển chậm thì có vẻ như chúng lại gặp khó khăn trong việc tìm cách bay thoát khỏi những vật có tốc độ nhanh từ mức 120 km/h trở lên, giống như xe tải và máy bay. 

Hiện nay một số sân bay dùng chó để xua đuổi chim

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này sẽ cần phải được tiến hành thêm trong thời gian tới để kiểm tra xem kỹ thuật tránh né của các loài chim khác có tương đồng như vậy hay không. Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng đã gợi ý một giải pháp về việc lắp đặt các đèn chiếu sáng đặc biệt trên máy bay giúp làm tín hiệu cảnh báo cho các loài chim từ xa. Hy vọng rằng, các nghiên cứu trên sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới và sớm được áp dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề nhức nhối này của ngành hàng không.

Những vụ đâm vào chim thường không chỉ giết chết những con vật vô tội mà nó còn có thể làm bị thương các phi công nếu như chúng lao thẳng vào buồng lái. Ngoài ra, như đã nói nó cũng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của một chuyến bay bởi nhiều lúc chúng còn có thể gây hư hỏng động cơ của máy bay và dẫn tới nhiều sự cố nghiêm trọng khác.

Trang Birdstrike.org ước tính các vụ va chạm với động vật gây thiệt hại đến hơn 600 triệu USD cho hàng không quân sự và dân sự Mỹ hàng năm. Theo tổ chức này, hơn 200 người đã thiệt mạng trên khắp thế giới chỉ vì máy bay va chạm với động vật kể từ năm 1988.