Giải mã hiệu ứng "Áo vàng" lan rộng tại nhiều quốc gia phát triển

ANTD.VN - Từ “tâm chấn” nước Pháp, hiệu ứng biểu tình “Áo vàng” đã lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới với những sắc màu, đòi hỏi không còn như nguyên bản ban đầu.

Giải mã hiệu ứng "Áo vàng" lan rộng tại nhiều quốc gia phát triển ảnh 1Những người biểu tình “Áo vàng” xuống đường tại Edmonton – thành phố lớn thứ 6 của Canada

Phong trào của những người biểu tình “Áo vàng” đang hạ nhiệt tại “tâm chấn” nước Pháp song đã vượt Đại Tây Dương sang tới Canada khi những người biểu tình cuối tuần qua đã xuống đường tại nhiều thành phố như Edmonton, Toronto, Calgary và Halifax để phản đối một số chính sách của Chính phủ Canada. Những người biểu tình tại Canada cũng mặc đồng phục “Áo vàng” như những người biểu tình tại Pháp, nhưng họ không lên tiếng ủng hộ phong trào của Pháp mà tập trung vào các vấn đề của Canada. 

Trước khi vượt Đại Tây Dương lan sang Canada, hiệu ứng biểu tình “Áo vàng” đã vượt biên giới nước Pháp tràn sang trước hết ở quốc gia láng giềng Bỉ. Tiếp đó, phong trào biểu tình “Áo vàng” lan dần tới Áo, Italy và vượt biển Manche “đổ bộ” lên đảo quốc sương mù.

Điều đáng nói là phong trào biểu tình “Áo vàng” lan rộng ra thế giới khi mà nó có dấu hiệu hạ nhiệt trông thấy ngay tại “tâm chấn” nước Pháp. Theo Bộ Nội vụ Pháp, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày thứ bảy 15-12 vừa qua, giảm tới một nửa so với tuần trước. Tại “điểm nóng” Paris cũng có khoảng 2.200 người tham gia làn sóng biểu tình Áo vàng và chỉ có 168 đối tượng bị bắt, giảm mạnh so với 1.000 người  trong tuần trước.

Việc phong trào biểu tình “Áo vàng” hạ nhiệt tại điểm khởi phát nước Pháp nhưng hiệu ứng của nó lại vượt biên giới đất nước hình Lục lăng lan rộng ra những quốc gia phát triển khác không làm giới quan sát bất ngờ. Đó là điều mà họ từng dự báo khi làn sóng biểu tình “Áo vàng” dấy lên từ nước Pháp vào tháng 11 vừa qua.

Phong trào biểu tình “Áo vàng” là một phong trào kỳ lạ chưa từng thấy ở nước Pháp. Không có lãnh đạo, không có người đại diện, không tổ chức hay bất kỳ đảng phái chính trị nào đứng sau… nhưng những người biểu tình “Áo vàng” tự phát từ cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu vẫn có thể tạo nên một làn sóng biểu tình chấn động, làm rung chuyển chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron từng được đặt rất nhiều kỳ vọng khi lên cầm quyền tháng 5-2017.

Kế hoạch tăng thuế nhiên liệu từ đầu năm 2019 chỉ là một trong những cải cách mà chính quyền Tổng thống Macron cho rằng cần thiết để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Pháp, giúp nước này thoát “bẫy” tăng trưởng thấp và nợ công rình rập. Tuy nhiên, đây lại là giọt nước tràn ly khiến những người lao động và thu nhập thấp xuống đường biểu tình phản đối khi quyền lợi của họ bị đụng chạm, cắt giảm liên tiếp để phục vụ cho những cải cách kinh tế “đau đớn”.

Căn nguyên sâu xa làm bùng phát phong trào biểu tình “Áo vàng” tại nước Pháp cũng chính là những nhân tố âm ỉ lâu nay tại nhiều quốc gia phát triển khác. Những quốc gia này phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn là chấp nhận trả giá đắt, ảnh hưởng tới quyền lợi của đa số người dân thu nhập không cao, khi mạnh tay cải cách.

Phong trào biểu tình “Áo vàng” ở Pháp dù tự phát, không người dẫn dắt hay đại diện song vẫn đủ sức buộc chính quyền Tổng thống Marcon phải nhượng bộ, rút lại kế hoạch tăng thuế nhiên liệu. Hiệu quả này chính là một nhân tố quan trọng khiến phong trào biểu tình “Áo vàng” thành hiệu ứng lan rộng dù rằng điều mà những người “Áo vàng” tại các quốc gia khác nhau xuống đường phản đối vì mục tiêu và đòi hỏi khác nhau.