Giải cứu đồng euro
(ANTĐ) - Việc các thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thành lập Quỹ bình ổn châu Âu trị giá 750 tỷ euro nhằm cứu trợ các nước trong khu vực khó khăn về tài chính như Hy Lạp, song thực chất là để giải cứu đồng euro.
Đồng euro đang được giải cứu bằng quỹ bình ổn trị giá 750 tỷ euro |
Đồng euro đã xuống giá không phanh so với các đồng tiền mạnh trên thế giới kể từ khi quốc gia thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị đẩy đến bên bờ vực của sự phá sản. Cuộc khủng hoảng nợ nần trầm trọng đã khiến giới kinh tế và tài chính thế giới nhìn nhận Eurozone và đồng euro với con mắt khác.
Trước đó, với những tiêu chí và tiêu chuẩn chặt chẽ để được tham gia Eurozone như thâm hụt ngân sách quốc gia dưới 3% GDP, nợ công dưới 60% GDP, minh bạch về ngân sách..., đồng euro đã tạo sự tin cậy khá cao trong giới tài chính quốc tế. Thế nhưng đến khi Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công thì người ta mới nhận ra rằng tiêu chí, tiêu chuẩn là một chuyện song thực tế lại khác hẳn.
Cuộc khủng hoảng bung ra mới thấy Hy Lạp đã thông báo không chính xác về thực trạng nền tài chính của mình. Theo thống kê mới, nợ công của Hy Lạp đã lên tới 113% GDP, thâm hụt ngân sách quốc gia 7% năm 2009, có thông tin còn cho rằng lên tới 14%...
Chính vì thế đã dẫn tới sự mất niềm tin của giới tài chính quốc tế vào giá trị và sức mạnh thật sự của đồng euro. Tới đầu tháng 6 này, giá đồng euro đã xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 3-2006.
Đáng lo ngại là không chỉ Hy Lạp mà tình hình tài chính của một số thành viên Eurozone khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... cũng đang trong tình trạng nguy ngập. Nếu không có các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khẩn cấp, những nước này rất có thể sẽ đi vào "vết xe đổ" Hy Lạp.
Cuộc khủng hoảng nợ nần đã phủ bóng đen lên tương lai của đồng euro. Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Khu Tài chính London tham gia cuộc khảo sát do tờ "Điện tín" (Anh) thực hiện còn cho rằng đồng euro khó có thể tồn tại hết nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu trong 5 năm tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thừa nhận đồng euro đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng về sự tồn tại".
Trong bối cảnh đó, EU buộc phải ra tay hành động một cách mạnh mẽ. Quỹ bình ổn châu Âu trị giá 750 tỷ euro (gần 1.000 tỷ USD) mà các Bộ trưởng Tài chính EU nhất trí đạt được tại Luxembourg ngày 7-6 sẽ trước hết nhằm giải cứu Hy Lạp và sau đó là những thành viên Eurozone rơi vào cuộc khủng hoảng tương tự.
Quỹ chống khủng hoảng này còn nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và được vận hành thông qua cơ chế mang tên "Công cụ phục vụ mục đích đặc biệt". Với cơ chế này, EU có thể vay với lãi suất thấp từ các thị trường tài chính để cho các nước thành viên của khối đang nợ nần chồng chất vay lại.
Đã có những phản ứng tích cực đầu tiên với Quỹ bình ổn châu Âu song cũng vẫn còn không ít quan ngại khi thấy các chính trị gia EU thể hiện sự miễn cưỡng phải ủng hộ quyết định cứu trợ này.
Hoàng Tuấn