Giấc mơ viển vông?

ANTĐ - Theo Hãng thông tấn TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22-11 đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách kích động một sự thay đổi chế độ ở Nga bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà phân tích chính trị ở Thủ đô Moskva, ông Lavrov khẳng định: “Phương Tây đang thể hiện một cách rõ ràng rằng họ không chỉ muốn ép Nga thay đổi chính sách, mà họ muốn có một sự thay đổi chế độ. Hiện các nhân vật công chúng ở các nước phương Tây đang rao giảng rằng cần phải đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế của Nga và kích động quần chúng biểu tình nhằm thay đổi chế độ tại Nga.

Có phải phương Tây đang muốn tạo điều kiện cho một cuộc cánh mạng màu tại Nga, để nhìn rõ khả năng này, chúng ta cần nhìn lại các bài học lịch sử. 

Giấc mơ viển vông?  ảnh 1

 Những chiến lược quen thuộc lại được thực hiện

 Vào cuối những năm 1980, đánh giá sự phụ thuộc của Liên Xô vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt là điểm yếu nhất trong nền kinh tế nước này, với sự giúp đỡ của Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Reagan đã dùng nhiều biện pháp gây sức ép lên thị trường, đánh tụt giá dầu trên thị trường thế giới, tước đi nguồn thu nhập ngoại tệ đáng kể của Liên Xô. Với sự hỗ trợ đắc lực của Tây Âu, Tổng thống Reagan cũng ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai từ Liên Xô, giới hạn trần phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung khí đốt của Liên Xô ở mức 30%, cấm các khoản vay dài hạn cho Moskva và xuất khẩu công nghệ mới nhất cho nước này, đặc biệt trong lĩnh vực khoan ở ngoài khơi và khu vực có nhiều băng tuyết ở miền Bắc. Cú đánh quá mạnh đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Liên Xô, hạn chế khả năng giúp đỡ các nền kinh tế đông Âu, tạo điều kiện cho sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. 

Năm nay, nhân sự kiện Ukraina, một lần nữa, những chiến lược nhằm đánh vào nền kinh tế Nga lại được đem ra thực hiện. Hiện nay, theo một cuộc thăm dò quy mô toàn cầu do Bloomberg tiến hành vào tuần trước, Nga – quốc gia có nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm tới 50% ngân sách sẽ là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào giá dầu mỏ. Giá dầu Brent biển Bắc đã mất 34% trong 6 tháng qua và đạt ngưỡng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây, dao động xuống quanh mức 76USD/thùng trong tháng 11 vừa qua và đà giảm này dự đoán sẽ còn chưa dừng lại. Một số vấn đề cơ cấu đang tạo ra lo ngại cho các nước cung cấp dầu mỏ rằng giá dầu sẽ chững lại ở mức này cho tới tận cuối năm 2015. Theo mạng tình báo Stratfor, nguồn cung dầu sẽ còn cao vì Bắc Mỹ đang tích cực tăng sản xuất năng lượng và các nước OPEC đang băn khoăn hoặc không thể cắt giảm sản lượng một cách đáng kể.

Sản lượng dầu mỏ được khai thác mới trong 4 tháng gần đây là một con số gây giật mình. Mỹ đã tăng sản lượng từ 8,5 triệu thùng/ngày vào tháng 7 lên 9 triệu thùng/ngày. Trong năm 2015, tình hình sản xuất năng lượng ở Bắc Mỹ nhiều khả năng sẽ còn tăng nữa. Trong 3 năm liền (2012, 2013, 2014) sản lượng dầu của Mỹ có mức tăng 1 triệu thùng/ngày; dự kiến con số này trong năm 2015 sẽ là 750 nghìn thùng/ngày. Sản lượng ở Libya là 200 nghìn tăng lên 900 nghìn thùng/ngày. Các nước Saudi Arabia, Nigeria và Iraq cũng tăng sản lượng trong những tháng gần đây, và sản lượng của toàn OPEC đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm.

Trong khi đó, theo dự tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tăng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2014 chỉ là 700 nghìn thùng/ngày – chỉ bằng 1/3 con số tăng sản lượng được nhắc tới ở trên. Ông Ed Morse – người đứng đầu Ban nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup Inc ở New York – nhận định: “Kỷ nguyên giá dầu thấp đang được mở ra và chắc chắn sẽ tạo ra một số thay đổi quan trọng về địa chính trị”. Rõ ràng, với giá dầu thấp, cùng với Iran và Venezuela, Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những nước này vốn không có quan hệ thân thiện với Mỹ và phương Tây. 

Trên phương diện chính trị, việc phá hoại nền tảng kinh tế của Moskva được thực hiện thông qua Ba Lan ở khu vực phía Tây và thông qua Afghanistan ở khu vực phía Nam. Mỹ cùng đồng minh đang sử dụng phương cách cũ nhưng với những diễn viên mới. Mục đích của Mỹ là ngăn chặn việc xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Nam” không qua Ukraine, thay vào đó là dự án South Pars (dự án đường ống dẫn khí đốt từ Iran) chạy qua Iraq (quốc gia cũng sẽ sớm bắt đầu sản xuất khí đốt), qua Syria và đến Nam Âu. Mục đích là sử dụng đường ống dẫn dầu này để vận chuyển khí đốt từ “Mỏ dầu phương Bắc” của vùng Vịnh thuộc Qatar, một phần trong dự án South Pars. Kế hoạch này làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga. 

Giấc mơ viển vông?

Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại một diễn đàn kinh tế ở Moskva cho hay: “Chúng tôi thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị”. Theo ông Siluanov, giá dầu sụt giảm cũng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại “khoảng 90 đến 100 tỷ USD mỗi năm”. Nga cũng không lạ gì âm mưu của Mỹ và phương Tây. Tổng thống Nga Putin cũng nhiều lần khẳng định, chính Mỹ là thủ phạm của tình trạng giảm giá dầu. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thẳng thắn: “Mọi thứ trong thế giới hiện nay đều phụ thuộc lẫn nhau và không có chuyện rằng lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga, sự sụt giảm mạnh giá dầu, hoặc sự mất giá của đồng rúp sẽ không tác động ngược lại những người đã khởi đầu nó”. Nói về kinh tế Nga và đồng rúp đang suy yếu, ông Putin cho biết tình hình giá dầu xuống thấp khiến ngân sách không đạt như mong đợi. Tuy vậy, ông khẳng định việc giá dầu sụt giảm không thể quật ngã được nước Nga. Đồng thời, vị Tổng thống này cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không sa vào con đường bị cô lập trong bất kỳ hoàn cảnh nào và chẳng ai có thể vây hãm chúng tôi. Họ đang nói về những điều bất khả thi”. 

Mỹ đang đứng đầu một liên minh với sự chồng chéo về lợi ích. Và trong sự đan xen ấy, có những lợi ích mâu thuẫn với nhau. Vấn đề trừng phạt Nga là một ví dụ trong mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ và châu Âu. Hoặc trong cục diện cuộc chiến chống khủng bố IS, mâu thuẫn giữa đường lối của Mỹ và quan điểm Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vấn đề gia tăng sức mạnh cho người Kurd là ví dụ thứ hai. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều đang khao khát vươn lên thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới. Ít nhất từ nay cho đến khi đạt được mục đích đó, hai cường quốc này sẽ không rơi vào cảnh đồng sàng dị mộng. Lợi thế của ông Putin trong việc hình thành liên minh thế nào thì đã rõ. Mỹ và đồng minh cần tỉnh táo với Trung Quốc đang là kẻ “ngư ông đắc lợi” trong thế cờ này.

Cách mạng màu của phương Tây đã hạ bệ được nhiều chính quyền, dàn dựng lên những nhà nước “thân thiện”. Nhưng với Nga thì không. Bởi Nga không giống như Liên Xô trước đây, họ đang ở giai đoạn cực thịnh của nền kinh tế, sức mạnh quân sự, và được dẫn dắt bởi một lãnh đạo có năng lực. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy Putin vẫn là thần tượng trong mắt người dân Nga và nhận được nhiều sự ủng hộ to lớn. Để có thể hạ bệ được chế độ đó bằng những cuộc biểu tình, Mỹ cần có nhiều hơn những mâu thuẫn trong xã hội Nga với Nhà nước. Mà những khó khăn về kinh tế, Nga có thể giải quyết trong tầm tay với dự trữ và những tiềm lực hiện có. Trong khi đó, trái với Nga, châu Âu, những đồng minh của Mỹ lại đang thiệt hại nặng nề bởi chính sách triệt hạ Nga về kinh tế. Ông Sergey Glazyev - cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga đã cho biết các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu có thể bị thiệt hại lên đến 1 nghìn tỉ euro (1,2 nghìn tỉ USD) nếu họ tiếp tục theo đuôi Mỹ trừng phạt Nga, đặc biệt trên khía cạnh kinh tế. Và thực tế, châu Âu cũng đang đồng sàng dị mộng với Mỹ về chính sách với Nga.