Giá đắt của trò đánh cắp công nghệ

ANTD.VN - Những rắc rối liên quan đến việc Anh tạm dừng phê chuẩn dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với sự góp vốn của Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, sau khi đối tác Trung Quốc trong dự án này bị cáo buộc có hoạt động gián điệp tại Mỹ.

Giá đắt của trò đánh cắp công nghệ ảnh 1Mô hình dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point

Theo tờ The Times, Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN), một doanh nghiệp năng lượng nhà nước góp tới 33% trong tổng số vốn đầu tư 24 tỷ USD của dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, bị cáo buộc đứng đầu một âm mưu nhằm đánh cắp các bí mật trong ngành công nghiệp điện của Mỹ để đẩy mạnh việc phát triển và sản xuất công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc.

Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, nhân vật Ho Szuhsiung (còn có tên Allen Ho), 66 tuổi, là người điều hành công ty năng lượng ETI tại bang Delaware, Mỹ, nhưng đồng thời cũng làm cố vấn cấp cao cho Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Từ năm 1997 đến khi bị bắt vào tháng 4 năm nay, dưới sự hướng dẫn của CGN, Allen Ho đã tiếp cận và lôi kéo các chuyên gia hạt nhân tại Mỹ hỗ trợ phát triển và sản xuất nguyên liệu hạt nhân đặc biệt ở Trung Quốc. Allen Ho làm việc này mà không đăng ký với Bộ Tư pháp và cũng không được Bộ Năng lượng Mỹ cấp phép.

Lâu nay, Trung Quốc luôn bị cáo buộc là tìm mọi cách để đánh cắp hoặc sao chép công nghệ của nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, Nga và châu Âu. Chẳng hạn với Mỹ, các chuyên gia quân sự cho rằng loại máy bay J-20, cũng như loại J-31 Falcon Hawk do Trung Quốc đang phát triển đã “vay mượn” rất nhiều từ thiết kế của các chiến đấu cơ Mỹ, đặc biệt là chiếc J-31 có hình dáng rất giống chiếc F-35. Và đây rất có thể là “thành quả” tình báo Trung Quốc thu được trong thời gian qua.

Tình trạng Trung Quốc sao chép và ăn cắp công nghệ của Nga còn tràn lan hơn. Ví dụ rõ nét và mỉa mai nhất là chiếc tiêm kích J-11 của Trung Quốc giống hệt chiếc Su-27SK của Nga. Ngắm ngoại hình của tổ hợp tên lửa phòng không Trung Quốc HQ-17 thì thậm chí một chuyên gia bàn giấy cũng nhận ra sự tương đồng với Tor-M1 của Nga. Còn tổ hợp tên lửa phòng không trông “hầm hố” HQ-9 của Trung Quốc có ngoại hình giống tới mức “điếng người” với hệ thống S-300PMU-1 nổi tiếng của Nga. 

Trở lại với dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với sự tham gia của Trung Quốc, nhiều chuyên gia Anh lo ngại viễn cảnh rằng Trung Quốc một ngày nào đó có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Anh sử dụng công nghệ đánh cắp của Mỹ. Ông Paul Dorfman, chuyên gia Viện Năng lượng thuộc Đại học College London, Anh, bày tỏ quan ngại: “Đây là một vụ việc khác thường cho thấy những lo ngại liên quan tới Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng hạt nhân quan trọng của Anh là rất rõ ràng và hiện hữu”.

Chính vì thế ông Paul Dorfman nhấn mạnh: “Có lẽ tốt nhất là không nên cho phép CGN hay bất kỳ một công ty hạt nhân nhà nước nào của Trung Quốc được tiếp cận với thị trường và cơ sở hạ tầng hạt nhân then chốt của chúng ta”. Rất có thể đây là lý do mà tân Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố tạm dừng phê chuẩn dự án Hinkley Point cho tới khi ra quyết định chính thức vào mùa thu năm nay. Bà Theresa May nói rằng chính phủ cần thêm thời gian để đánh giá lại dự án.

Việc một nước đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ thường sẽ dẫn đến việc các công ty nước ngoài không muốn đầu tư vào nước này. Không những thế, việc đánh cắp công nghệ của người khác sẽ đánh mất lòng tin của cả thế giới với sản phẩm của nước đó. Dự án Hinkley Point là một bài học nữa với Trung Quốc.