Gay cấn, quyết liệt đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đến hồi chót

ANTD.VN - Cuộc đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận thương mại cơ bản giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang đến hồi chót đầy gay cấn với nhưng đòn “ăn miếng trả miếng” quyết liệt của cả hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chưa sớm gặp nhau để đi tới một thỏa thuận thương mại lâu dài

Không khỏi bất ngờ khi thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng, sẽ tăng hơn gấp đôi mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong tuần này. Bất ngờ bởi Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố mạnh mẽ này khi mà một phái đoàn đàm phán của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu dự kiến tới Washington (Mỹ) vào ngày 8-5 để bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới - một vòng đàm phán được cho rất quan trọng để đi tới thỏa thuận thương mại cơ bản, lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong tuyên bố thể hiện lập trường đầy cứng rắn ngày 5-5, Tổng thống Donald Trump cho biết, sẽ tăng mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 10-5 tới. Không những thế, ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa sẽ “sớm” áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump chẳng khác nào một “đòn phủ đầu” với Trung Quốc khi hai bên sắp bước vào vòng đàm phán thứ 11 với mục tiêu hướng tới một thỏa thuận thương mại lâu dài, một thỏa thuận giúp cho Mỹ và Trung Quốc tránh được một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với những hệ lụy khôn lường cho cả hai nước cũng như kinh tế thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc lẽ ra đã bùng nổ cuối năm 2018 vừa qua nếu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được thỏa thuận vào phút chót về một thời gian hưu chiến để hai bên ngồi lại thương lượng với nhau. 

Trải qua 10 vòng đàm phán từ đầu năm tới nay với vòng đàm phán gần nhất diễn ra ngày 1-5 vừa qua tại Bắc Kinh. Sau 10 vòng đàm phán mà mỗi vòng đều được ví như những hiệp “so găng” nảy lửa, cả Bắc Kinh và Washington cùng cho biết đã đạt tiến triển trong đàm phán, đặc biệt là về vấn đề được cho khó khăn là sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc mà các công ty Mỹ và phương Tây than phiền nhiều nhất. 

Trung Quốc cũng cam kết giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống còn 0 trong vòng 6 năm cũng như sẽ duy trì tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ ở mức chấp nhận được. Những cam kết của Trung Quốc, theo giới phân tích, không đơn thuần là những thỏa thuận thương mại mà tác động sâu rộng tới chính sách kinh tế Bắc Kinh thực thi lâu nay.

Thế nên, trong khi hai đồng Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng lạc quan về “cuộc đàm phán hiệu quả” với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng 4 vừa qua cũng hào hứng cho biết ông sẽ sớm tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng nhằm “thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Nói cách khác đó là một thỏa thuận thương mại lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vậy điều gì khiến Tổng thống Donald Trump lại có tuyên bố “phủ đầu” ngày 5-5 khi đàm phán thương mại sắp hoàn tất? Câu hỏi này được chính ông Donald Trump trả lời khi nói trên Twitter cùng ngày 5-5 rằng, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước “vẫn tiếp diễn”, nhưng Trung Quốc “tìm cách đàm phán lại”.

Trung Quốc có thể nhận ra sẽ thua thiệt quá nhiều nếu chấp nhận các điều kiện của Mỹ để đàm phán thương mại “về đích”. Bởi vậy, “đòn phủ đầu” mà ông Donald Trump tung ra ngày 5-5 cũng không khiến Trung Quốc nao núng mà còn đáp trả ngay rằng nước này đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ dự kiến vào ngày 8-5 tới. 

Xem ra, đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc càng đi tới giai đoạn cuối, càng quyết liệt và gay cấn.