Gánh nặng từ “chảo lửa”
(ANTĐ) - “Chất lượng cuộc sống của người dân đang bị đe dọa”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ N. Pelosi đã phải thốt lên như vậy sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố con số có thêm 80.000 lao động Mỹ bị mất việc làm trong tháng 3-2008, mức cao nhất trong 5 năm qua. Gánh nặng cuộc chiến Iraq giờ đã cảm nhận rõ trong mỗi gia đình người Mỹ.
Bà N. Pelosi hoàn toàn không cường điệu chút nào. Mới tuần trước, Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ cùng với việc leo thang giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, giá khám chữa bệnh và chăm sóc y tế...
Điều đó đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đang bị đe dọa. Một con số thống kê khác cho thấy rõ hơn tình hình: So với năm 2001, mức thu nhập thực tế của hộ gia đình Mỹ mỗi năm hiện đã giảm gần 1.000 USD.
Thời buổi giá dầu tăng đột biến, kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, ngay đến nguồn cung cấp lương thực cũng đang trở thành vấn đề lo ngại trên toàn cầu thì việc đời sống người dân Mỹ bị tác động là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, cú sốc nặng đến mức cuộc sống thường ngày sụt giảm nghiêm trọng, thu nhập còn thấp hơn cả 7 năm trước đây thì nguyên nhân không thể là hiện tượng kinh tế bất thường mới nổi, mà phải có căn nguyên sâu xa hơn nhiều.
Triển vọng cuộc chiến Iraq còn rất mờ mịt |
Căn nguyên đó được báo chí Mỹ nhanh chóng chỉ ra: gánh nặng cuộc chiến Iraq. Quả thực, mỗi ngày cuộc chiến Iraq cướp đi của nước Mỹ 400 triệu USD, bằng mức đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất cỡ lớn.
Còn tổng chi phí cho chiến trường Vùng Vịnh xa xôi kể từ khi cuộc chiến nổ ra cách đây hơn 5 năm đến nay đã lên tới hơn 600 tỷ USD. Cái giá cuộc chiến Iraq cứ lớn dần theo thời gian và giờ đã có thể cảm nhận trong mỗi gia đình người Mỹ.
Điều đó giải thích tại sao có tới 81% số người Mỹ cho rằng đất nước đang đi sai hướng. Đây là tỷ lệ dân chúng bi quan về hướng đi của đất nước cao nhất kể từ khi “Thời báo New York” thực hiện thăm dò dư luận vào đầu thập niên 1990.
Thậm chí theo kênh truyền hình “CBS News”, tâm trạng bi quan của tuyệt đại đa số người dân Mỹ hiện đã chuyển sang trạng thái hoang mang và lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao.
Trong khi đó, sự bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến Iraq thì lại quá rõ ràng. Hôm 5-4 vừa rồi, Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ J. Biden khẳng định “việc tăng quân Mỹ ở Iraq hồi năm ngoái là một thất bại”.
Theo ông J. Biden, nỗ lực trên của quân đội không thành công vì số lượng quân Mỹ ở lại đó thì nhiều nhưng hòa giải chính trị thì vẫn chưa đạt được. Ông nói: “Mục đích của việc tăng quân là giảm bạo lực ở Iraq để các nhà lãnh đạo nước này có thể ngồi lại với nhau.
"Bạo lực đã giảm đi song người Iraq vẫn chưa ngồi lại với nhau. Có rất ít bằng chứng cho thấy người Iraq sẽ sớm giải quyết những mâu thuẫn của họ một cách hòa bình. Tôi tin rằng tổng thống chưa có chiến lược để đạt được thành công ở Iraq”.
Điều đó đồng nghĩa với việc lính Mỹ sẽ chưa thể sớm rời khỏi “chảo lửa” chết chóc Iraq và “cái thùng” không đáy Iraq sẽ còn tiếp tục ngốn tiền của và sinh mạng của nước Mỹ. Còn với người dân thường Mỹ, gánh nặng cuộc chiến sẽ còn tiếp tục “gõ cửa” nhà họ, làm cho cuộc sống của họ thêm nặng nề và căng thẳng.
Hoàng Sơn