"Gánh nặng đường xa" của tân Tổng thống Hàn Quốc

ANTD.VN - Ngay trong ngày Ủy ban Quản lý Bầu cử Trung ương Hàn Quốc công bố kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống khóa 19, ngày 10-5, ông Moon Jae-in đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn ở trong và ngoài nước.

Tân Tổng thống Moon Jae-in

Thách thức kinh tế

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc “đang thể hiện cơ bắp” trong lĩnh vực kinh tế. Ông Moon Jae-in sẽ thừa hưởng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vốn đang có một vài dấu hiệu phục hồi “khiêm tốn”. 

Trước mắt, ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với “bài kiểm tra thực tế” giữa lúc Mỹ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và Trung Quốc tiến hành trả đũa kinh tế. Song Kyung-jin - Chủ tịch Viện Kinh tế Toàn cầu, một viện nghiên cứu tư nhân ở Seoul nhận định: “Vấn đề lớn nhất sẽ là quan điểm của Mỹ về chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ kinh tế, một động thái làm dấy lên nỗi lo ngại ở Hàn Quốc, vốn từ lâu phải phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc hiện chiếm gần một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.

Hàn Quốc cũng quan ngại về khả năng Mỹ yêu cầu đàm phán lại về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương Mỹ - Hàn. FTA này - vốn có hiệu lực từ năm 2012 - đã được nhiều người coi là biểu tượng của liên minh kinh tế giữa hai nước. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã lên án FTA với Hàn Quốc là “một thảm họa” và là thỏa thuận “tước đi các công ăn việc làm”.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã tăng cường hạn chế nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc trong những tháng gần đây do Seould tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ông Moon Jae-in nói rằng, việc Trung Quốc tiến hành các biện pháp trả đũa là điều rất đáng tiếc và vượt ra ngoài quy chuẩn thông thường.

Chuyên gia Song Kyung-jin cho rằng “việc Hàn Quốc đa dạng hóa các loại hàng hóa và đối tác thương mại là điều vô cùng quan trọng”, viện dẫn bài học về hành động trả đũa kinh tế của Trung Quốc mới đây. Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới - lần lượt chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. 

Sứ mệnh hàn gắn dân tộc 

 Ông Moon Jae-in, một cựu luật sư về nhân quyền, sẽ phải lãnh đạo một quốc gia vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe bảo thủ và tự do trong lúc phải giải quyết những bất ổn kinh tế do Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye để lại. Bà Park Geun-hye là con gái của nhà độc tài Park Chung-hee, người từng bắt giam ông Moon Jae-in vì lãnh đạo các phong trào sinh viên chống Chính phủ.  

Trong con mắt của không ít cử tri, ông Moon Jae-in xuất thân thường dân nhưng có triển vọng mang lại cục diện mới cho Hàn Quốc sau vụ bế bối tham nhũng và lạm quyền dẫn đến vụ mất chức của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Tuy nhiên, muốn dẫn dắt đất nước tiến lên, ông Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Có thể nói, con đường phía trước của ông Moon Jae-in đầy gập ghềnh.

Duyeon Kim - nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên ở Seoul cho rằng, hiện vẫn phải chờ xem liệu ông Moon Jae-in có thể thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị mà nhiều người Hàn Quốc tìm kiếm hay không. Bà nói: “Điều đó phụ thuộc vào các ưu tiên của ông và nguồn nhân lực để tiến hành các cải cách cần thiết cho mô hình dân chủ “thực sự” mà người dân mong muốn”.

Ông Moon Jae-in cũng phải hàn gắn rạn nứt giữa những người theo quan điểm bảo thủ và tự do, đồng thời phải vượt qua thế yếu trong Quốc hội khi Đảng Dân chủ của ông không giành được đa số ghế. 

Để thúc đẩy các sáng kiến lớn, bao gồm việc tạo ra 500.000 việc làm mỗi năm và cải cách các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc, ông cần phải thúc đẩy quan hệ đối tác với các đảng phái và các chính khách mà ông từng cạnh tranh quyết liệt trong chiến dịch tranh cử. Chiến thắng với cách biệt vừa đủ của ông trong cuộc bầu cử chưa thể lột tả sự chia rẽ về ý thức hệ và giữa các thế hệ ở đất nước 51 triệu dân này. 

Chính sách đối ngoại 

Cuộc bầu cử hôm 9-5 đã được các đồng minh và các nước láng giềng của Hàn Quốc theo dõi sát sao trong lúc Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Ông Moon Jae-in được cho là sẽ cố gắng bắt tay với Bình Nhưỡng thông qua đàm phán và viện trợ, đi ngược với các chính sách bảo thủ của người tiền nhiệm.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng việc ông Moon Jae-in đắc cử có thể làm gia tăng bất ổn trong quan hệ với Washington bởi ông đang hoài nghi về việc triển khai THAAD, nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể liên minh hai nước. Giới phân tích cho rằng, ông Moon Jae-in sẽ phải nhanh chóng bổ nhiệm các vị trí cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh cùng các vị trí bộ trưởng để lắng dịu các căng thẳng địa chính trị.

Daniel Russel, người từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và đang làm việc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định rằng sự khác biệt giữa ông Moon Jae-in và ông Donald Trump sẽ đồng nghĩa với những mâu thuẫn không thể tránh khỏi, nhưng “sẽ không báo trước cuộc khủng hoảng hay sự cắt đứt” quan hệ song phương.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là mức độ mà ông Moon Jae-in sẽ tham vấn, trao đổi và hợp tác với Mỹ. Liệu ông ta sẽ là một đối tác liên minh tốt hay không? Liệu bạn sẽ tăng cường sức ép cho đến khi Triều Tiên cảm thấy buộc phải ngồi vào bàn đàm phán hay bạn sẽ giảm sức ép và “bật nhạc và thắp nến” cho đến khi Triều Tiên có tâm trạng để đàm phán? Đó là điều sẽ cần phải được cân nhắc và giải quyết”.

Với những vấn đề nêu trên, có thể thấy trước mắt tân Tổng thống Hàn Quốc là hàng núi khó khăn không dễ vượt qua. Không ai dám khẳng định liệu ông Moon Jae-in có vượt qua được những khó khăn ấy hay không.