"Gã khổng lồ" sản xuất găng tay ở Malaysia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức

ANTD.VN - Các nhà chức tranh Anh và Malaysia đang tiến hành một cuộc điều tra sau khi tờ The Guardian cáo buộc rằng, Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đang sử dụng găng tay y tế được sản xuất tại các nhà máy của Malaysia - nơi người di cư buộc phải lao động cưỡng bức, bị ép buộc làm thêm giờ, bị giữ lại tiền lương và tịch thu hộ chiếu.

"Gã khổng lồ" sản xuất găng tay ở Malaysia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ảnh 1Nhà máy sản xuất găng tay của Top Glove tại Setia Alam, Selangor, Malaysia

Cuộc điều tra của Guardian cho hay, 2 “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất găng tay cao su là Top Glove và WRP đã buộc lao động nhập cư từ Nepal và Bangladesh phải làm việc quá thời gian quy định, lên tới 160 giờ/tuần, trong điều kiện nhà máy không an toàn, bị tịch thu hộ chiếu, phí tuyển dụng cao, bị rơi vào tình trạng nợ nần, thậm chí tiền lương bị giữ lại trong nhiều tháng. Được biết, Top Glove và WRP cung cấp 40% sản phẩm găng tay y tế cho các thương hiệu được bán bởi NHS Supply Chain.

The Guardian đã phỏng vấn 16 công nhân làm việc cho Top Glove. Những người này cho rằng, họ phải làm việc ít nhất 12 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần và chỉ được nghỉ 1 ngày/tháng. Thời gian làm việc vượt quá rất nhiều so với quy định của luật pháp Malaysia. Bên cạnh đó, hộ chiếu của tất cả 16 người đều bị công ty thu giữ và không thể lấy lại được theo yêu cầu. 

Phải rất khó khăn, phóng viên The Guardian mới tiếp cận được với 3 công nhân làm việc cho WRP. Cuộc phỏng vấn nhanh được tiến hành thông qua hàng rào. Các công nhân cho rằng, họ phải làm việc quá giờ, bị tịch thu hộ chiếu và tiền lương bị giữ tới 3 tháng. “Chúng tôi không được phép rời khỏi nhà máy WRP, trừ chủ nhật. Đã 3 tháng rồi chúng tôi chưa nhận được lương, cuộc sống rất khó khăn, chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ”, một công nhân làm việc cho WRP đề nghị giấu tên vì lý do an toàn chia sẻ.

Một số người lao động từ Bangladesh cáo buộc rằng, đã phải trả phí tuyển dụng lên tới 20.000 ringgit (khoảng 3.700 bảng Anh) và người lao động từ Nepal cho biết đã phải trả tới 7.000 ringgit (1.300 bảng Anh) cho các đại lý tuyển dụng trong nước để có thể làm việc cho Top Glove tại Malaysia. 

Trước những cáo buộc, Top Glove cho rằng, công ty tuân thủ các yêu cầu về luật lao động địa phương, mặc dù thừa nhận làm quá giờ là vấn đề mà ban lãnh đạo công ty hết sức quan tâm. Tuy nhiên, Top Glove phủ nhận việc tịch thu hộ chiếu, mà đó là việc “giúp người lao động có nơi cất giữ hộ chiếu an toàn”. Top Glove cũng khẳng định, không thu phí tuyển dụng cao hơn 20% mức lương của công nhân. Tương tự như vậy, WRP phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Trong một tuyên bố, đại diện Bộ Y tế Anh cho biết, Chính phủ Anh không chấp nhận chế độ nô lệ hiện đại hay bất kỳ hành vi lao động cưỡng bức nào. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và các cơ quan chức năng đang làm việc với NHS Supply Chain để tiến hành cuộc điều tra một cách nhanh nhất. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã có kế hoạch làm việc với Top Glove ở Malaysia trong tháng này.

Đại diện NHS Supply Chain đã xác nhận với phóng viên The Guardian rằng, họ đang tiến hành điều tra các cáo buộc. Tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm 10-12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, M K Formulegaran xác nhận đang tiến hành điều tra về Top Glove - một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất Malaysia. Đồng thời, chính quyền Malaysia cũng có kế hoạch xem xét các điều kiện lao động tại nhiều công ty khác.