G-7 không thể “ngồi yên” để Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông

ANTĐ - Lãnh đạo 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) đã lên tiếng phản đối và chỉ trích việc Trung Quốc cải tạo đảo quy mô lớn nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.
G-7 không thể “ngồi yên” để Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông ảnh 1

Các nhà lãnh đạo G-7 ra tuyên bố chung phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 8-6 khi kết thúc 2 ngày hội nghị Thượng đỉnh tại Đức, các nhà lãnh đạo G-7 đã khẳng định quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị cũng như kinh tế nóng hổi trên toàn cầu hiện nay.

Trong bản tuyên bố dài 23 trang này, lãnh đạo   G-7 cũng cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, quy định luật pháp, duy trì tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới.

Trong vấn đề hòa bình và an ninh, lãnh đạo G-7 đã nhấn mạnh vấn đề an ninh hàng hải với sự thống nhất quan điểm rằng cần phải duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong đó, các nhà lãnh đạo G7 đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp.

Cho dù không nêu đích danh song giới phân tích cho rằng lãnh đạo G-7 đã chỉ trích việc cải tạo trái phép các bãi đá ngầm ở Biển Đông thành những hòn đảo nổi nhân tạo. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G-7 nêu rõ cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông.

Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 2 năm các nhà lãnh đạo G-7 trong tuyên bố chung đưa ra khi kết thúc hội nghị Thượng định đã bày tỏ lập trường chung, nhấn mạnh tới an ninh trên biển cũng như đảm bảo tự do hàng hải, đồng thời phản đối những hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông.

 Năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lãnh đạo G-7 đã bày tỏ quan ngại về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với một loạt nước châu Á liên quan tới các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cảnh báo không sử dụng vũ lực.

Năm nay, việc Trung Quốc ráo riết huy động lực lượng đông đảo tiến hành cải tạo quy mô lớn các bãi đá ngầm, rạn san hô cưỡng chiếm bằng vũ lực tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo đã gây lo ngại sâu sắc cũng như vấp phải sự lên án, chỉ trích gay gắt trên toàn cầu.

Không chỉ còn là vấn đề của khu vực, một khi Trung Quốc hoàn thành cải tạo thành các đảo nổi nhân tạo, họ sẽ lấy đó là cái cớ để đòi yêu sách chủ quyền, biến vùng biển quốc tế thành “ao nhà”, buộc tàu bè hay máy bay đi qua tuyến vận tải huyết mạch quan trọng hàng đầu thế giới này đều phải đăng ký hay xin phép…

Chính vì thế, các cường quốc G-7 vốn có ảnh hưởng và lợi ích trên toàn cầu không thể “ngồi yên” để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”.