Facebook lại gặp rắc rối với nghi vấn can thiệp chính trị ở Anh

ANTD.VN - Một Ủy ban của Quốc hội Anh bắt đầu mở cuộc điều tra về "tin tức giả mạo" và các hoạt động được cho là có dấu hiệu can thiệp chính trị từ nước ngoài trên mạng xã hội Facebook đối với cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cũng như cuộc bầu cử Quốc hội Anh trước thời hạn năm 2017.

Một trang facebook và những thông tin liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU của Anh

Chủ tịch Ủy ban Công nghệ số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thuộc Quốc hội Anh Damian Collins đã chính thức gửi kiến nghị đến nhà sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg, yêu cầu cung cấp báo cáo chi tiết về hoạt động quảng cáo có yếu tố Nga trong suốt cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hồi tháng 6-2016 và cuộc tổng tuyển cử diễn ra một năm sau đó.

Theo ông Damian Collins, những thông tin báo cáo mà cơ quan này yêu cầu gồm thông tin về hoạt động quảng cáo; thông tin đăng tải trên các tài khoản có yếu tố Nga; đối tượng mà các thông tin, quảng cáo hướng tới; chi phí quảng cáo và lượng truy cập. Ông Collins cho biết Ủy ban của ông đang tìm hiểu “hiện tượng tin tức giả mạo”, mà trọng tâm là vai trò của các yếu tố nước ngoài khi sử dụng các diễn đàn xã hội để can thiệp vào vấn đề chính trị của quốc gia khác. 

Thực tế, Quốc hội Anh đã manh nha tiến hành điều tra về việc lan truyền các thông tin giả mạo ảnh hưởng tới chính trị trên mạng xã hội từ tháng 1-2017. Tuy nhiên, cuộc điều tra tạm thời gián đoạn trong thời gian diễn ra tổng tuyển cử hồi tháng 6. Mới đây, hôm 20-10, nghị sĩ Quốc hội Anh thuộc Công đảng Ben Bradshaw đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Anh tiến hành điều tra các nghi ngờ về việc dường như Nga đã can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cũng như bầu cử Quốc hội.

Thông báo điều tra của giới chức Anh được đưa ra trong bối cảnh Mỹ cũng đang thận trọng xem xét các nghi vấn về mối liên hệ giữa Nga và các “đại gia” công nghệ Google, Facebook và Twitter trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái. Gần đây nhất, Facebook thừa nhận rằng trong khoảng thời gian từ tháng 6-2015 đến tháng 5 năm nay, 470 tài khoản được cho là có yếu tố Nga đã chi 100.000 USD để thực hiện 3.000 quảng cáo có nội dung vận động chính trị trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Đến đầu tháng 10-2017, Facebook cung cấp thêm thông tin rằng các bảng quảng cáo chính trị do Nga đăng tải đã được khoảng 10 triệu người dùng Facebook ở Mỹ đăng nhập. Hãng này sau đó tuyên bố sẽ chia sẻ với các điều tra viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ các quảng cáo chính trị trên để phục vụ điều tra.  

Các nhà lập pháp Mỹ cũng như các quan chức ngoại giao và an ninh phương Tây vẫn luôn cáo buộc rằng Nga có khả năng sử dụng một trong những hoạt động tuyên truyền rộng lớn nhất trên thế giới hoặc kỷ nguyên công nghệ số nhằm tìm cách gây bất ổn cho EU hay chia rẽ giới chính trị Mỹ nhằm đáp trả các đòn trừng phạt của EU cũng như sự bành trướng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. 

Với EU, Brexit là cú sốc lớn nhất đối với liên minh đã và đang hình thành và phát triển từ những đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ hai này. Sự ra đi của Anh gây rối loạn cho châu Âu trên nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, đồng thời làm xói mòn tính thống nhất của EU. Đến nay, qua 5 vòng đàm phán, Anh và EU vẫn không thể tìm được tiếng nói chung cho cuộc “ly hôn” cay đắng nhất trong lịch sử.

Hơn thế, cuộc tổng tuyển cử ở Anh hồi tháng 6 vừa qua cũng cho thấy một kết cục không như mong muốn: đảng Bảo thủ Anh không thể giành được đa số ghế tại Hạ viện. Thất bại của đảng cầm quyền được nhìn nhận có thể dẫn tới một giai đoạn bất ổn chính trị. Sự chậm trễ trong việc hình thành một Chính phủ mới có thể trì hoãn và làm xáo trộn các cuộc đàm phán của Anh về việc rút khỏi EU.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Matxcơva chưa bao giờ làm và cũng không liên quan đến những quảng cáo trên mạng xã hội Facebook được cho là đã tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái hay tiến trình bỏ phiếu rời EU của Anh.