EU "xuống thang" căng thẳng nhằm tránh nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ

ANTD.VN - Khi hồi chuông báo động nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ được gióng lên ngày càng dồn dập, Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng điều tiết để tình hình không vượt tầm kiểm soát.

EU "xuống thang" căng thẳng nhằm tránh nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ ảnh 1Công nhân sản xuất nhôm cuộn tại nhà máy ở Biesheim, miền Đông Pháp

Trước đó, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ áp thuế với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bao gồm mặt hàng xe máy và rượu whisky. Cụ thể, EU dự kiến sẽ áp mức thuế 25% đối với một loạt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 20-6 tới và tăng lên mức 50% từ ngày 23-3-2021. Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm của nhiều nước, trong đó có EU.

Kể từ đầu năm 2018, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã bước sang giai đoạn mới. Một số nhà phân tích kinh tế Mỹ tin rằng trong tương lai, Chính phủ của Tổng thống Trump sẽ áp đặt thêm các loại thuế mới với phạm vi lớn hơn nhằm vào EU. Giới chức châu Âu hiện đang phải đối mặt với một người coi “chủ nghĩa bảo hộ kinh tế” là một chính sách quan trọng trong lĩnh vực thương mại và tương lai sẽ nỗ lực áp đặt việc thực thi chính sách này.

Không nghi ngờ gì, sự đối đầu kinh tế giữa Mỹ và châu Âu sẽ ngày một nghiêm trọng, hay nói đúng hơn, sẽ có một cuộc chiến thương mại triệt để nếu hai bên không có sự nhượng bộ hay thỏa hiệp. Trong một tuyên bố mới đây, EU cho biết Hội đồng châu Âu lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu nhôm và thép. Tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm đảm bảo sự bảo vệ tuyệt đối các quyền của EU theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm đáp trả một cách tương xứng và thích đáng với các hành động của Mỹ.

Tuy nhiên, để giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, EU cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố để ngỏ các khả năng hợp tác với Mỹ nếu Washington chấp nhận miễn thuế vĩnh viễn cho các nhà sản xuất thép và nhôm của EU. Cụ thể, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí trên 4 lĩnh vực mà khối này sẵn sàng mở cửa thị trường hơn nữa cho nhiều sản phẩm của Mỹ. Các sản phẩm này bao gồm ô tô, các gói thầu của Chính phủ, năng lượng - nhất là khí hóa lỏng (LNG), các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  Song EU nhấn mạnh các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ phải dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”, phù hợp với quy định của WTO. 

Trong khi đó, WTO đã công bố Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) cho thấy thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh, tuy nhiên trong quý II đà tăng trưởng thương mại có thể suy giảm nhẹ. Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu hiện tại ở mức 101,8, cao hơn giá trị tham chiếu của chỉ số WTOI là 100, nhưng thấp hơn con số trước đó (102,3), cho thấy tăng trưởng thương mại vững chắc sẽ được duy trì trong quý II-2018, nhưng dự kiến ở nhịp độ chậm hơn so với quý I.  Phần lớn các kết quả gần đây phù hợp với dự báo thương mại của WTO công bố ngày 12-4-2018, theo đó WTO dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa giảm nhẹ, từ 4,7% năm 2017 xuống 4,4% vào năm 2018. 

Chỉ số Triển vọng thương mại toàn cầu WTOI được thiết lập để cung cấp các thông tin “trong hiện tại” về quỹ đạo thương mại thế giới so với các xu hướng mới nhất. WTOI không thể hiện một dự báo ngắn hạn, mặc dù chỉ số này cung cấp dấu hiệu tăng trưởng thương mại trong tương lai gần. Đóng góp chính của WTOI là xác định các thay đổi và đo lường động lực tăng trưởng thương mại thế giới.