EU và Nga cùng "ngấm đòn" trừng phạt

ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU) đã lựa chọn giải pháp tiếp tục trừng phạt Nga nhằm gây sức ép trong cuộc khủng hoảng Ukraine dù cuộc khủng hoảng này đã bước sang năm thứ 5 và việc trừng phạt cũng gây thiệt hại nặng cho chính các nền kinh tế của liên minh.

Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau gây thiệt hại cho cả EU và Nga

Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa, theo đó liên minh này sẽ tiếp tục hạn chế đi lại, cũng như đóng băng tài sản đối với 150 cá nhân và 38 công ty của Nga. Cơ quan hành pháp của EU là Hội đồng châu Âu (EC) trong một tuyên bố đưa ra ngày 12-3 nêu rõ, biện pháp này mới có hiệu lực đến ngày 15-9-2018 này nhằm trừng phạt “các hành động làm xói mòn hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine”.

Giới quan sát cho rằng, việc EU tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt Nga sẽ tiếp tục đào sâu thêm mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai bên, mối quan hệ vốn ngày càng trở nên tồi tệ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Từ năm 2014, EU bắt đầu áp lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm phản đối việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3-2014 và cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét gia hạn việc trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quan trọng trong hợp tác làm ăn giữa hai bên như tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. 

Cũng theo lệnh trừng phạt, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng Nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng (lĩnh vực vốn rất quan trọng với EU trong làm ăn với Nga) sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của Chính phủ các nước thuộc EU. 

Nước Nga không “ngồi yên” chịu trận mà có những biện pháp mạnh nhằm đáp trả đòn trừng phạt kinh tế của EU, trong đó nổi bật nhất là lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ các nước thành viên liên minh. Tương tự EU, lệnh cấm vận từ phía Nga cũng được gia hạn 6 tháng/lần, tương ứng với mỗi lệnh trừng phạt từ phía EU. 

Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau gây thiệt hại khá nặng nề cho nền kinh tế của các nước EU và Nga. Những số liệu đưa ra trong bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 9-2017 cho thấy, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Điều đáng nói, dù là bên bị trừng phạt, song tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ vào khoảng 55 tỷ USD, tức là thấp hơn tới một nửa so với EU.

Ông Idris Jazairi, người đã bỏ ra 8 tháng để hoàn thành bản báo cáo đặc biệt trên của Liên hợp quốc, đã rút ra kết luận rằng, những biện pháp trừng phạt Nga của EU là “gậy ông đập lưng ông” bởi quá trình toàn cầu hóa khiến những biện pháp trừng phạt gây tác hại cho kinh tế của chính phía “ra đòn” trước.

Chính vì thế, ngày càng có thêm các quốc gia thành viên EU, công khai kêu gọi liên minh này từ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa hai bên. Trong đó, Tổng thống Cộng hoà Séc Milos Zeman đã bày tỏ sự phản đối về các biện pháp trừng phạt mà EU, trong đó Séc là một quốc gia thành viên, áp đặt chống Nga vì cho rằng điều này gây thiệt hại cho tất cả các bên.