EU ngăn chặn tận gốc dòng người nhập cư bất hợp pháp

ANTD.VN - Cùng với các giải pháp tại “ngọn” diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm xử lý từ “gốc” nhằm chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi.

Người nhập cư bất hợp pháp đi qua thành phố Agadez của Niger sang Lybia để xuống tàu vượt Địa Trung Hải đến châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) vừa hỗ trợ chính quyền Niger 10 triệu euro để giúp quốc gia này ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ khu vực Tây Phi vào châu Âu. Đây là khoản giải ngân đầu tiên trong khuôn khổ một chương trình tài trợ của Quỹ ủy thác khẩn cấp do EU khởi xướng vào cuối năm 2015 để chống nạn di cư bất hợp pháp và tội phạm buôn người từ lục địa đen sang các quốc gia châu Âu.

Các thành viên EU vài năm nay đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư trầm trọng với đỉnh điểm năm 2015 khi có tới 1,3 triệu người di cư ồ ạt đổ vào lục địa già, trong đó chủ yếu đến từ các khu vực nghèo đói và xung đột triền miên là Trung Đông, châu Phi và Nam Á. Cuộc khủng hoảng nhập cư là một thách thức lớn mà EU phải giải quyết nếu không muốn bị dòng người di cư bất hợp pháp “nhấn chìm”.

Rất nhiều biện pháp đã được cả EU hay từng nước thành viên đơn phương triển khai nhằm ngăn làn sóng nhập cư, một số quốc gia thành viên thậm chí còn phớt lờ sự phản đối của liên minh khi áp đặt các biện pháp mạnh tay như đóng cửa biên giới, xây hàng rào chạy dọc biên giới… Với biện pháp chung được sự góp sức của các thành viên, EU đã triển khai lực lượng hải quân thực hiện “Chiến dịch Sophia” nhằm ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu qua tuyến đường biển đầy nguy hiểm ngoài khơi Libya. 

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong việc chặn đứng dòng người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Đơn cử, “Chiến dịch Sophia” triển khai từ cuối năm 2015 với sự tham gia của hàng chục chiến hạm và máy bay ngoài khơi Italia, song cũng chỉ mới bắt giữ khoảng 110 kẻ buôn người, ngăn chặn 463 tàu thuyền chở người di cư và giải cứu hơn 38.000 người di cư trên tuyến đường biển Địa Trung Hải, con số chỉ bằng 1/3 số người vượt biên bằng đường biển vào Italia.

Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, số người di cư vượt Địa Trung Hải vào châu Âu từ đầu năm đến nay tuy đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn còn có tới 60.000 người đánh cược mạng sống vượt biển vào châu Âu. Đáng nói là dù số người di cư bất hợp pháp bằng đường biển giảm, nhưng số thiệt mạng trên đường đi tìm “miền đất hứa” lại gia tăng khi số người tử nạn trên biển trong 5 tháng đầu năm 2017 lên tới 1.530 người, so với 1.398 người so với cùng kỳ năm trước.

Nhận thấy ngăn chặn tại “ngọn” khó có thể giải quyết căn cơ cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp, EU trong Hội nghị Thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước châu Phi vào năm 2015 đã phê chuẩn Quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ euro cho châu Phi để hỗ trợ lục địa này giải quyết căn nguyên của tình trạng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu. Khoản tài trợ này chủ yếu được dùng để “khóa” các con đường chính mà dòng người nhập cư bất hợp pháp sẽ đi qua các nước Bắc Phi như Niger, Lybia, Ai Cập… để vượt Địa Trung Hải tới châu Âu.

Sau khoản tài trợ 10 triệu euro vào quý IV năm nay, Niger sẽ tiếp tục nhận khoản hỗ trợ tiếp theo nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn những người di cư bất hợp pháp tới châu Âu qua Agadez - thành phố lớn nhất ở miền Bắc Niger, còn được gọi là “Cổng Sahara” - là trung tâm vận chuyển, đưa những người có nhu cầu vào châu Âu thông qua nước láng giềng Libya. Tương tự tại Niger, EU cũng bắt đầu huấn luyện, đào tạo và trang bị cho hàng chục đơn vị tuần tra của Libya để thực hiện nhiệm vụ chặn dòng người di cư từ xa.