EU khẩn cấp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh, giải quyết khủng hoảng tị nạn

ANTĐ - Ngày 23-9, các lãnh đạo cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã khẩn cấp tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh để thảo luận, giải quyết vấn đề người tị nạn. Đồng thời cảnh báo 19 quốc gia thành viên vi phạm các quy tắc tị nạn.

Hội nghị được tổ chức tại Brussels, Bỉ chủ yếu thảo luận về một kế hoạch phân bổ 120.000 người nhập cư từ Syria và một số nước khu vực Trung Đông.

Cuộc họp diễn ra rất căng thẳng do sự chống đối mãnh liệt từ một số thành viên bao gồm Romania, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary. Trước đó, các nước này phản đối đề án hạn ngạch bắt buộc mà EU đã phê duyệt.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo EU đã phải vật lộn để tìm cách phối hợp, ứng phó với khủng hoảng tị nạn.
EU khẩn cấp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh, giải quyết khủng hoảng tị nạn ảnh 1Dòng người tị nạn khổng lồ từ Syria đang trở thành vấn đề nhức nhối nhất châu Âu

Trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Anh, David Cameron và Tổng thống Pháp, Francois Hollande đã có cuộc hội đàm và đi đến quyết định rằng, việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Syria sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Họ cũng đồng ý trả những người di cư bất hợp pháp, tức là những người không có đơn xin tị nạn chính thức.

Anh đã lựa chọn tham gia vào các chương trình phân bổ và có kế hoạch riêng của mình để tái định cư những người di cư tại các trại tị nạn Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ, Barack Obama cũng nhận định rằng, tất cả các quốc gia châu Âu nên chấp nhận “chia sẻ công bằng” về vấn đề người tị nạn, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trước đó, ngày 22-9, các bộ trưởng EU đã phê duyệt kế hoạch tái định cư theo đa số chứ không có sự nhất trí của toàn bộ thành viên.

Ủy viên hội đồng Di cư và Nội vụ EU cho biết, kế hoạch này là một thắng lợi đối với EU và các nước thành viên. Nó sẽ giúp tái định cư hàng ngàn người di cư đang trú tại Ý và Hy Lạp sang các quốc gia khác trong liên minh. Phần Lan đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu, trong khi Ba Lan, ban đầu phản đối đề xuất này lại đồng ý với thỏa thuận.

Tổng thống Czech, Milos Zeman nhận định rằng: “Chỉ có tương lai mới minh chứng sai lầm của quyết định này”. Thủ tướng Czech, Bohuslav Sobotka cho biết, nước này sẽ đứng ngoài cuộc khủng hoảng di cư và không thể tuân theo kế hoạch hạn ngạch bắt buộc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Slovakia,  Robert Fico tuyên bố thà vi phạm các quy tắc tị nạn còn hơn là tuân theo kế hoạch đưa ra. Romania cũng quyết định từ chối hạn ngạch bắt buộc mà liên minh đề ra, bất chấp hình phạt nào.