EU: Chỉ kéo dài trừng phạt Nga nếu thoả thuận Minsk thất bại

ANTĐ -  Các lãnh đạo EU đã không thể thống nhất việc tự động kéo dài các biện pháp trừng phạt với Nga vốn sẽ hết hạn vào tháng 7 này. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố rằng quyết định này sẽ được gắn kết với việc thực hiện thoả thuận Minsk.

“Việc kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ có liên hệ trực tiếp tới việc thực hiện thoả thuận Minsk. Chúng tôi phải duy trì trừng phạt của mình cho đến khi tiến trình hoà bình ở Ukraine thành công”, ông Tusk nói trong cuộc họp báo sau hội nghị tại Brussels và nhấn mạnh rằng, trừng phạt có thể được kéo dài đến cuối năm 2015, hạn chót cho một vài điều khoản trong thoả thuận Minsk.

EU muốn gắn kết quả của thoả thuận Minsk với vấn đề trừng phạt Nga

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel xác nhận rằng, bất kì quyết định mở rộng trừng phạt nào đối với Nga đều phải dựa theo diễn biến ở Ukraine.

Thoả thuận Minsk bao gồm các biện pháp cải tổ chính trị ở Ukraine nhằm đảm bảo việc phân bổ lại quyền lực và trao thêm quyền tự trị cho các tỉnh đòi li khai.

Vào năm ngoái, EU đã tiếp bước Mỹ, áp đặt một vài lệnh trừng phạt lên Nga, tuy nhiên, điều này sau đó đã gây ra cả những thiệt hại cho cả kinh tế các nước châu Âu, vốn cũng đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

EU đã chần chừ trong việc tăng cường thêm trừng phạt vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga cho tới khi xảy ra thảm hoạ rơi máy bay Malaysia MH17 tại không phận Ukraine vào năm ngoái.

Tại Brussels, các lãnh đạo cũng đồng ý với việc làm rõ ràng hợp đồng khí đốt với Nga nhằm tránh tranh chấp giá cả như trong quá khứ do Uỷ ban châu Âu luôn nghi ngờ Gazprom đang cố tình hét giá khí đốt bán cho châu Âu.

Ông Tusk đã đưa ra cảnh báo về việc mất ổn định tại Ukraine có thể khiến ảnh hưởng tới an ninh năng lượng châu Âu, do Ukraine là nước trung chuyển phần lớn khí đốt Nga sang EU. Ông này nhấn mạnh rằng khí đốt không nên được sử dụng như một loại vũ khí chính trị và hợp đồng giữa các bên phải được thực hiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau của các đối tác.