EU bảo vệ các công ty châu Âu trước lệnh trừng phạt Iran của Mỹ

ANTD.VN -Ngày 18-5-2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức khởi động tiến trình kích hoạt "quy chế phong tỏa" bằng việc cập nhập danh sách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vào phạm vi điều chỉnh của quy chế này. EC bày tỏ hy vọng quy chế trên có hiệu lực trước ngày 6-8 tới, thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.

Hành động của EC được tiến hành sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại thủ đô Sofia của Bulgaria nhất trí ủng hộ thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và giao cho EC quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ lợi ích của các công ty châu Âu đang làm ăn với Tehran tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu cần. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (giữa), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Thủ tướng Bungari Boyko Borisov trong một cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh tây Balkans EU ở Sofia ngày 17- 5-2018

Biện pháp "cơ chế phong tỏa" ra đời từ năm 1996 liên quan những tranh cãi về lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Cuba, Iran và Libya, song thực tế cơ chế này chưa được áp dụng do khi đó những tranh cãi về việc trừng phạt đã lắng xuống.

Trong trường hợp Iran, EC sẽ kích hoạt một đạo luật ngăn chặn các công ty EU phải tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, đồng thời vô hiệu hóa mọi phán quyết của các tòa án nước ngoài ép các công ty EU thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ. Cơ chế này cũng cho phép các công ty được bồi thường mọi thiệt hại phát sinh từ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. 

Hôm 8-5, Tổng thống Donald Trump đã ký văn bản ghi nhớ yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran trong vòng vòng 90-180 ngày. Điều đó có nghĩa là không chỉ các công ty Mỹ mà các công ty châu Âu cũng phải rút dần các hoạt động làm ăn với Iran trong khung thời gian này nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp chế tài của Bộ Tài chính Mỹ. EU có thể đàm phán để nhận được miễn trừ một số biện pháp trừng phạt của Mỹ nhưng Mỹ không nói rõ sản phẩm nào hoặc nước nào sẽ được miễn trừ.

Sau động thái này của Mỹ, nhiều công ty châu Âu đang đứng trước khả năng phải hủy bỏ các thương vụ trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ với Iran, do Mỹ quyết định tái áp đặt gói trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu bàn cách ứng phó lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran tại Hội nghị thượng đỉnh tây Balkans EU ở Sofia

Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, giúp tháo dỡ gói trừng phạt của phương Tây nhằm vào Iran, nhiều công ty châu Âu đã quay trở lại Iran và ký kết nhiều hợp đồng thương mại vì vậy châu Âu bị tác động rất lớn bởi quyết định tái trừng phạt Iran của Mỹ.

Năm 2016, hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus ký thỏa thuận bán cho Iran Air, hãng hàng không quốc gia Iran, 100 chiếc máy bay trị giá khoảng 19 tỉ USD và cho đến nay chỉ mới giao hai chiếc cho Iran Air. Airbus cho biết, sẽ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ về việc cấm bán máy bay cho Iran. Ít nhất 10% linh kiện máy bay của Airbus đang được sản xuất tại Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ gồm lệnh cấm vận dầu mỏ cũng sẽ làm giảm đáng kể doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới.

Cho đến nay, Total (Pháp) là tập đoàn dầu khí phương Tây quay trở lại Iran quyết liệt nhất. Total đã ký một thỏa thuận hợp tác trị giá 5 tỉ USD với Iran vào tháng 7-2017 nhằm phát triển một mỏ khí đốt lớn ngoài khơi Iran.

Trong các lĩnh vực khác, hãng xe PSA Peugeot Citroen (Pháp) đã lý một thỏa thuận vào năm 2016 để xây dựng một nhà máy sản xuất 200.000 xe mỗi năm ở Iran. PSA Peugeot Citroen cho biết, đang nghiên cứu các hệ lụy từ quyết định tái trừng phạt Iran của Mỹ.

Ba nước châu Âu có các hoạt động thương mại lớn với Iran là Pháp, Đức và Ý. Giá trị kim ngạch thương mại giữa EU và Iran đã tăng vọt từ mức 9,2 tỉ USD trong năm 2016 lên mức 25 tỉ USD vào năm 2017.

Trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, ngày 18-5, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Đức, Pháp và nhất trí rằng JCPOA cần được duy trì sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. 

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi. Bà khẳng định châu Âu muốn Tehran tiếp tục cam kết thực hiện JCPOA nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có quyết định mới đây của Mỹ rút khỏi JCPOA. Thủ tướng Đức khẳng định việc tiếp tục ở lại JCPOA sẽ mang lại lợi ích cho Iran. 

Chuyến thăm của bà Merkel diễn ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo EU đang nỗ lực tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Theo dự kiến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ thăm Nga vào ngày 24-5 tới.