Đứt gãy chuỗi cung ứng thịt lợn giá rẻ ở các lò mổ phía Tây nước Đức và cái giá phải trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các lò giết mổ gia súc của Đức gần đây đã bị dịch Covid-19 càn quét với hơn 1.400 ca nhiễm. Nhiều người băn khoăn rằng tại sao Đức là quốc gia công nghiệp phát triển, có những doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn giá rẻ hàng đầu thế giới lại để cho virus Corona tấn công mạnh như vậy?

Những ngôi nhà ở cho công nhân gần Münster, ở phía Tây nước Đức gọi là ký túc xá thì đúng hơn bởi chúng là nơi công nhân về ngủ chờ đến ca làm tiếp theo. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các công nhân người Romania làm việc cho tập đoàn Tönnies (doanh nghiệp điều hành lò mổ lớn nhất nước Đức) ở Rheda-Wiedenbrück cảm thấy hoang mang. Một công nhân tên George cho biết, trong số 15 người sống cùng căn hộ với anh thì có 5 người nhiễm Covid-19. Anh nói: “Chúng tôi rất sợ bị lây nhiễm và đã gọi cho cảnh sát, nhưng họ trả lời là không thể giúp gì được”. Vì vậy, nhóm của George đã tự cách ly 2 người trong nhóm ở 2 phòng riêng biệt, 3 người còn lại thì gửi sang nhà khác.

George kể rằng, vài tuần qua ở ngay lối vào lò mổ có đặt máy đo thân nhiệt, tuy nhiên nhưng không có ai vận hành. Mỗi buổi sáng, người lao động vẫn bước qua bình thường. “Có vẻ như nhà máy không muốn bất cứ điều gì làm gián đoạn hoạt động. Chỉ 2 ngày trước khi lò mổ bị cách ly để kiểm dịch, công ty mới bắt đầu đo thân nhiệt của công nhân. Nhưng lúc đó đã quá muộn”, George nói.

Đứt gãy chuỗi cung ứng thịt lợn giá rẻ ở các lò mổ phía Tây nước Đức và cái giá phải trả ảnh 1Công nhân nhập cư từ Romania và Bulgaria cùng gia đình họ trong giai đoạn thực hiện cách ly ở Verl, nước Đức

Lượng virus lây lan cao

Nếu có một môi trường hoàn hảo cho SARS-CoV-2 phát triển và lây lan, đó có lẽ là lò mổ. Các khu chế biến thịt có môi trường làm lạnh đến dưới 12 độ C. Công nhân đứng gần nhau khi làm việc chính là điều kiện lý tưởng cho  virus lây truyền qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc. Nhiệt độ thấp còn giúp tăng thời gian tồn tại của virus. Sự gắng sức về thể chất trong quá trình làm việc của các công nhân cũng dẫn đến việc giải phóng ra một lượng virus lớn hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như găng tay, tạp dề, quần áo ẩm ướt trong quá trình làm việc cũng có thể tạo điều kiện cho virus lây truyền…

Các nhà khoa học từng chỉ ra, virus Corona có lớp vỏ tương đối khỏe, dày, mang lại cho chúng một lớp bảo vệ giống như cao su trong điều kiện mát mẻ. SARS-CoV-2 có thể tồn tại tới 72 giờ trên các bề mặt ở nhiệt độ từ 21-23 độ C. Thí nghiệm cho thấy, virus còn có thể tồn tại hơn 28 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Tại lò mổ Tönnies, các nhà virus học cho biết, số lượng lớn nhân viên bị nhiễm bệnh chỉ ra một mô hình lây lan khó phát hiện. Trong điều kiện tiếp xúc gần gũi như sống chung phòng, đi làm chung trên xe buýt đến lò mổ, chỉ cần 1 hay một số ít công nhân nhiễm bệnh là đã có khả năng lây nhiễm cho rất nhiều người khác. 

Áp lực đuổi theo doanh số

Công ty Tönnies chiếm 30% thị phần thịt lợn ở Đức. Các lò mổ của công ty, đứng đầu là cơ sở ở Rheda-Wiedenbrück, là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất cung ứng cho các cửa hàng thịt lợn giá rẻ Aldi và Lidl. Khả năng cắt giảm chi phí của công ty trên toàn bộ dây chuyền sản xuất đã cách mạng hóa ngành công nghiệp này và đảm bảo     Tönnies chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường. 

Ở phạm vi rộng lớn hơn, ngành công nghiệp thực phẩm với 16 chi nhánh, trong đó đứng đầu là thịt, tạo ra doanh thu khoảng 42 tỷ euro mỗi năm. Trung bình, người Đức ăn 60kg thịt/năm, bao gồm thịt gà, thịt bò và đặc biệt là thịt lợn. Tuy nhiên, các lò mổ ngày nay giết nhiều lợn hơn mức người Đức có thể ăn, tổng cộng khoảng 55 triệu con/năm. Hiện Đức xuất khẩu các sản phẩm thịt ra khắp thế giới, trong đó có cả việc đáp ứng cho thị trường Trung Quốc rộng lớn. Đứng đầu trong lĩnh vực giết mổ ở Đức là tập đoàn Tönnies Holding có trụ sở tại Ostwestfalen.

Họ cũng là 1 trong 4 công ty lớn nhất châu Âu ở ngành này, bên cạnh Westfleisch (có trụ sở tại Münster), Danish Crown (Đan Mạch) và Vion Food (Hà Lan). Công ty có 28 chi nhánh trên khắp thế giới và có tổng cộng 16.500 công nhân. Năm 2019, Tönnies có doanh thu hơn 7 tỷ euro. Theo Forbes, tổng tài sản của Clemens Tönnies trị giá gần 2 tỷ euro.

Tuy nhiên, trước áp lực từ các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn, tỷ suất lợi nhuận trong ngành giết mổ đã bị cắt giảm ồ ạt. Theo tính toán của ông Thomas Bernhard thuộc Liên đoàn lao động công nghiệp thực phẩm Đức, các lò giết mổ lớn chỉ thu được 5-6 euro lợi nhuận trên mỗi đầu lợn. Nhiều năm qua, ông chủ hãng Clemens Tönnies - vốn được gọi là Hoàng tử thịt lợn hay Nam tước thịt - đã đeo đuổi lối làm ăn hiệu quả mà tàn nhẫn. Nhưng trước đợt bùng phát đại dịch này, nước Đức muốn biết điều gì diễn ra sau cánh cổng nhà máy của ông ta. Liệu có phải vì quá chủ quan, không có biện pháp bảo vệ công nhân trước đại dịch mà hơn 1.400 ca nhiễm trong nhà máy Rheda-Wiedenbrück đã buộc các khu vực xung quanh thị trấn Gutinglöh và Warendorf gần đó chịu phong tỏa đợt 2?

Đứt gãy chuỗi cung ứng thịt lợn giá rẻ ở các lò mổ phía Tây nước Đức và cái giá phải trả ảnh 2Các nhà điều tra giám sát dây chuyền tại nhà máy Rheda-Wiedenbrück của tập đoàn Tönnies Holding, nơi phát hiện hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19

Chỉ là giọt nước tràn ly

Một công nhân Ba Lan ở nhà máy Rheda-Wiedenbrück của Tönnies cho biết, ông kiếm được 1.600 euro cho 190 giờ làm việc mỗi tháng. Ca làm việc bắt đầu lúc 3h sáng và kết thúc lúc 13h chiều, cứ cách 3 tiếng nghỉ giải lao 30 phút. “Chúng tôi đứng ở băng chuyền cách nhau khoảng 20 - 30cm. Thông thường, tốc độ của băng chuyền luôn ở mức cao và người giám sát theo dõi chúng tôi chặt chẽ”. Ông không thể chọn việc khác vì con gái bị ốm và ông đang mắc nợ do cần tiền chữa bệnh cho con.

Đáng nói, 50% công nhân ở Tönnies Holding là nhân viên của hàng chục nhà thầu phụ mà nếu không có họ, các lò mổ có thể ngừng hoạt động. “Chúng tôi không tuyển người, mọi người đến với chúng tôi” - Dumitru Miculescu, một nhà thầu phụ người Romania hiện có 1.700 nhân viên tự tin nói. Josef Besselmann là một nhà thầu phụ quan trọng khác của Tönnies. Công ty của ông chuyên nhận làm sạch các lò mổ trong 25 năm qua. Năm ngoái, ông này đã thu về gần 170 triệu euro. Besselmann có dịch vụ trọn gói cho công nhân Romania gồm: Đưa họ đến Đức, thuê nhà cho họ trong các khu căn hộ hoặc ký túc xá, và rõ ràng cũng giúp đỡ khi họ phải nhanh chóng biến mất một lần nữa.

Giữa tháng 6-2020, những người hàng xóm ở khu Thaddäus Strasse 49 - nơi có các công nhân lò mổ Rheda-Wiedenbrück cư trú - thấy 1 công nhân có vẻ ốm mệt, sau đó cả nhóm 6 công nhân đi đâu không biết. Họ tự hỏi có phải những người này nhanh chóng bị đưa về nhà để không phải thanh toán tiền lương hay không? Những công nhân người Romania và Bulgari đó phải trả cho Besselmann 350 euro/người/tháng tiền thuê nhà, nghĩa là công ty đã nhận được 2.100 euro cho một căn hộ mà giá thuê của nó thường khó quá 500 euro. Bọn họ cũng từng kể rằng phải trả 10 euro/ngày nếu bị ốm và 100 euro/tháng cho dịch vụ đưa đón đến nơi làm việc. Mức lương tối thiểu cho công nhân ở Đức là 9,35 euro/giờ và bắt buộc phải trả thêm tiền cho ca đêm. Tuy nhiên, liệu các nhà thầu phụ có thực sự làm đúng quy định hay tìm mọi cách để ăn chặn tiền công của người lao động bằng khoản nhà trọ, khấu trừ tiền làm thêm giờ thì không ai biết.

Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil, một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, đã yêu cầu công ty chi trả tất cả các thiệt hại liên quan đến việc phong tỏa đợt 2. Ông Julian Remmel, chính trị gia của Đảng Xanh, từng là Bộ trưởng Nông nghiệp bang North Rhine-Westphalia, thậm chí còn đề xuất lập “nhóm quản lý chuyển tiếp” cho lò mổ để đảm bảo rằng nhà máy tuân thủ đầy đủ quy định của luật pháp. Theo quyết định của chính quyền địa phương, công ty Tönnies sẽ phải đảm bảo chắc chắn 100% rằng hoạt động của nhà máy không còn nguy hiểm cho dân chúng thì mới có thể được xem xét mở lại nhà máy. Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil tuyên bố cuối tháng 7 này sẽ đệ trình lên nội các dự luật nhằm chấm dứt việc đối xử vô nhân đạo với lao động hợp đồng và có nguy cơ dịch tễ học đáng kể. Đúng là nếu không có cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, ít ai dám đặt vấn đề về cải thiện các điều kiện của nhân công lò mổ thuộc một trong những ngành công nghiệp “hái ra tiền” của nước Đức.

Nếu có một môi trường hoàn hảo cho SARS-CoV-2 phát triển và lây lan, đó có lẽ là lò mổ. Các khu chế biến thịt có môi trường làm lạnh đến dưới 12 độ C. Công nhân đứng gần nhau khi làm việc chính là điều kiện lý tưởng cho  virus lây truyền qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc. Hơn nữa, đúng là nếu không có cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, ít ai dám đặt vấn đề về cải thiện các điều kiện của nhân công lò mổ thuộc một trong những ngành công nghiệp “hái ra tiền” của nước Đức.