Đường hầm eo biển Manche: Điểm nóng mới của khủng hoảng di cư châu Âu

ANTĐ - Đường hầm qua eo biển Manche, nối Anh với Pháp đang trở thành một điểm nóng mới của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu.

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu ngày càng thêm tồi tệ khi liên tiếp có thêm người chết trong đường hầm vượt eo biển Manche (eo biển Dover), nối thị trấn Calais của Pháp với Folkestone, Kent ở Anh.

Một phát ngôn viên của Eurotunnel - công ty vận tải qua đường hầm Manche cho biết, một người nhập cư được phát hiện nằm bất tỉnh bên cạnh đường hầm, ở phía nước Pháp, lúc rạng sáng 30-9. Người đàn ông này không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được quốc tịch.

Bình luận về sự việc này, một quan chức của của Eurotunnel cho biết: “Đây là một sự cố rất đáng tiếc, nó cho thấy sự nguy hại của việc cố vượt qua đường hầm để nhập cư trái phép vào Anh”.

Những người nhập cư dựng trại ở Calais, tìm cách vượt eo biển Manche

Đây không phải là lần đầu tiên có người tử vong vì cố nhập cư trái phép vào Anh qua đường hầm xuyên biển này. Cái chết của người đàn ông này là trường hợp tử vong thứ tư trong vòng 10 ngày, và là thứ 13 của những người nhập cư trái phép vào châu Âu, tính từ cuối tháng 6 đến nay.

Trước đó, vào hôm 29-9, một thanh niên 20 tuổi người Iraq được phát hiện đã chết trong một chiếc xe tải.

Hồi tuần trước, một thiếu niên đến từ phía đông Phi đã bị một đoàn tàu chở hàng cán chết gần lối vào đường hầm ở thị trấn Calais, ngay sau hôm một người đàn ông cũng bị chết trong đường hầm vì điện giật.

Vị trí đường hầm eo biển Manche

Tình hình ở Calais, nơi gần đường hầm trên là một phần của cuộc khủng hoảng di dân rộng khắp Châu Âu, với số lượng rất lớn người dân đến từ Trung Đông và Bắc Phi, chủ yếu là từ Syria. Họ có thể bằng mọi giá tìm cách nhập cư trái phép vào Anh qua những chuyến tàu xuyên từ phía nam lên phía bắc Địa Trung Hải.

Eurotunnel cho biết, công ty này đã ngăn được 37.000 di dân lẻn vào đường hầm tính từ đầu năm nay nhưng nỗ lực của họ khong thể ngăn chặn được người nhập cư trái phép. Bộ Nội vụ Pháp thông báo, mỗi đêm có khoảng từ 1.500 đến 2.000 lượt người tìm cách vượt qua eo biển này.

Công ty Eurotunnel đã yêu cầu 2 chính phủ Anh và Pháp bồi thường 14,6 triệu USD do người di cư làm gián đoạn lịnh trình vận tải của họ của họ khiến hàng trăm hành khách và hàng hóa mắc kẹt tại 2 đầu đường hầm và những hàng rào bị người di cư chọc thủng.