Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót"

ANTĐ - Sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, liệu trong cuộc bầu cử 2016 này, Đảng Cộng hòa sẽ “soán ngôi”? Hiện cuộc đua tranh khốc liệt này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và giới truyền thông Mỹ với sự nổi lên của hai ứng viên hàng đầu là tỷ phú “bạo miệng” Donald Trump của Đảng Cộng hòa và một nhân vật dày dạn kinh nghiệm, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ.

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 1

Tỷ phú Donald Trump

Cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng năm nay có nhiều thú vị và được người dân Mỹ theo dõi sát sao khi xuất hiện một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển bất động sản và cũng là nhân vật truyền thông có tiếng, đó là tỷ phú Donald Trump. Sinh năm 1946, ông Donald Trump từng có ý định ra tranh cử vào các năm 2000, 2008 và 2012, tuy nhiên lúc đó tên tuổi của ông chưa được người dân Mỹ chú ý nhiều. Đến tháng 6-2015, vị tỷ phú này chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. 

Mặc dù không có kinh nghiệm trong vấn đề ngoại giao, quốc phòng hay kinh nghiệm thương thuyết về các vấn đề thương mại và kinh tế giữa Hoa Kỳ và các nước trên thế giới, nhưng tỷ phú Donald Trump lại thu hút được sự chú ý của mọi người cũng như giới truyền thông vì… “bạo miệng”. Trong thời gian qua, “ông trùm” bất động sản này có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí gây sốc như kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo vào Mỹ…, tuy nhiên, ông vẫn đang duy trì vị thế ứng viên số một của Đảng Cộng hòa. Kết quả thăm dò mới nhất được công bố hôm 23-12 do CNN/ORC tiến hành cho thấy, tỷ phú Donald Trump đang dẫn đầu khi nhận được 39% ủng hộ từ cử tri của Đảng Cộng hòa, bỏ xa các ứng viên còn lại của đảng này. 

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 2

Thượng nghị sĩ Ted Cruz

Với 18% ủng hộ, Thượng nghị sĩ bang Texas, Ted Cruz hiện đứng thứ hai trong số các ứng viên của Đảng Cộng hòa. Ông Cruz là ứng viên đầu tiên chính thức tuyên bố tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Năm nay 46 tuổi, là một người Mỹ gốc Cuba và tốt nghiệp bằng giỏi trường Luật Harvard, ông Ted Cruz trúng cử Thượng nghị sỹ Mỹ năm 2012 và duy trì từ đó tới nay.

Ông là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chương trình cải cách nhập cư và y tế của Tổng thống Barack Obama. Dù đây mới là lần đầu tiên tranh cử Tổng thống, song ông Ted Cruz có không ít kinh nghiệm trong các chiến dịch vận động. Năm 2000, ông từng là Cố vấn chính sách đối nội trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống George W. Bush.

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 3

Bác sĩ Ben Carson

Năm nay 64 tuổi, Ben Carson là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng ở Mỹ và chỉ mới tham gia vào chính trị trong thời gian gần đây. Ông gây ấn tượng với mọi người bằng phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh và hiện đứng thứ ba với tỷ lệ 10% ủng hộ.

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 4

Thượng nghị sỹ Marco Rubio

Cũng đứng thứ ba với tỷ lệ 10% ủng hộ, ông Marco Rubio hiện đang là Thượng nghị sĩ bang Florida. Năm nay 45 tuổi, ông là con trai của một gia đình nhập cư nghèo từ Cuba. Sau khi học trung học ở Miami, ông học khoa học chính trị và sau đó là luật, 2 bằng đại học này khiến ông nợ 100.000 USD, số tiền mà ông mới chỉ trả được cách đây vài năm.

Trong tuyên bố tranh cử, Thượng nghị sĩ Marco Rubio kêu gọi thành lập một thế hệ lãnh đạo mới “không bị kẹt lại thế kỷ 20”. “Tôi nghe thấy một vài người gợi ý rằng tôi nên đứng sang một bên và chờ đến lượt mình nhưng tôi không thể làm vậy. Nếu là Tổng thống, tôi hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt”, ông Rubio nhấn mạnh.

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 5

Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush

Năm nay 63 tuổi, ông Jeb Bush là thành viên của gia tộc Bush, có cha là cựu Tổng thống George H. W. Bush (Tổng thống thứ 41 của Mỹ) và anh trai là cựu Tổng thống George W. Bush (Tổng thống thứ 43 của Mỹ). Ông từng giữ 2 nhiệm kỳ Thống đốc bang Florida từ năm 1999-2007.  Sau khi cân nhắc không ra tranh cử Tổng thống vào năm 2008 và 2012, ngày 15-6-2015, ông Jeb Bush trở thành gương mặt thứ 11 của Đảng Cộng hòa tuyên bố tham gia cuộc đua giành vị trí ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Ông hứa hẹn sẽ cải tổ nước Mỹ và cam kết tạo ra 19 triệu việc làm mới. Ông cũng cam kết bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Giới truyền thông Mỹ đánh giá ông Jeb Bush là ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa nhờ truyền thống gia đình, dù ông không quá vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh khác. Điều bất ngờ là theo kết quả thăm dò mới nhất của CNN/ORC, ông Jeb Bush chỉ giành được 3% số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ. 

Đường đua vào Nhà Trắng: Gay cấn đến "phút chót" ảnh 6

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Bà Hillary Clinton đang củng cố vị trí ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Năm nay 69 tuổi, bà Hillary là cựu Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ, từng là Thượng nghị sĩ một tiểu bang rất lớn là tiểu bang New York và là một luật sư danh tiếng. Có thể nói bà Hillary nổi bật hơn tất cả các ứng viên khác của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực ngoại giao.

Hơn nữa, bà là người phụ nữ đầu tiên của Hoa Kỳ ra tranh cử để đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 và được nhiều người mến mộ. Hiện bà Hillary đang bỏ xa các ứng viên còn lại của Đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (75 tuổi) và Thống đốc  bang Maryland Martin O'Malley (53 tuổi). Nếu không có gì bất ngờ, bà gần như chắc chắn sẽ là người đại diện cho Đảng Dân chủ tranh cử để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. 

Nhìn lại lịch sử các kỳ bầu cử và văn hóa bầu cử tại Mỹ, có thể thấy rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự thành-bại của một ứng cử viên Tổng thống. Cựu Tổng thống Bill Clinton dự đoán, ở vòng “chung kết” vợ của ông, bà Hillary Clinton sẽ được Đảng Dân chủ đề cử và đối thủ của bà về phía Đảng Cộng hòa có thể là tỷ phú Donald Trump.

Thế nhưng, theo tờ “Người bảo vệ” của Anh, việc dẫn đầu liên tục trong thời gian đầu của cuộc tranh cử không có nghĩa ứng viên đó sẽ được chọn làm đại diện tranh cử Tổng thống. Bằng chứng là vào năm 2007, bà Hillary Clinton có lúc dẫn xa so với ông Barack Obama, nhưng kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2008, ông Obama đã chiến thắng ngoạn mục vào “phút chót”.