Dung túng cho tội phạm tham nhũng

(ANTĐ) - Mỗi năm, Teodora Nguema Obiang phải nhập cảnh vào Mỹ vài lần cùng với những khoản tài sản khổng lồ như đội xe hơi sang trọng, tàu cao tốc và thậm chí cả máy bay riêng để đến điền trang trị giá 35 triệu USD của mình ở Malibu, California.

Dung túng cho tội phạm tham nhũng

(ANTĐ) - Mỗi năm, Teodora Nguema Obiang phải nhập cảnh vào Mỹ vài lần cùng với những khoản tài sản khổng lồ như đội xe hơi sang trọng, tàu cao tốc và thậm chí cả máy bay riêng để đến điền trang trị giá 35 triệu USD của mình ở Malibu, California.

Teodora Nguema Obiang (trái)
Teodora Nguema Obiang (trái)

Cánh cửa nước Mỹ luôn mở rộng đối với Obiang - Bộ trưởng Bộ Nông lâm và là con trai của Tổng thống Guinea Xích đạo, mặc dù các quan chức hành pháp liên bang tin rằng phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả số tài sản của Obiang đều có nguồn gốc từ những hoạt động tham nhũng liên quan đến nguồn khí đốt và dầu mỏ của nước này. Luật pháp liên bang Mỹ quy định không cấp thị thực cho các quan chức nước ngoài tham nhũng và người thân trong gia đình họ nhập cảnh vào Mỹ nếu có chứng cứ đáng tin cậy cho thấy họ dính líu đến tham nhũng.

Nhưng đối với trường hợp của Obiang, nước Mỹ vẫn dang tay chào đón. Sở dĩ Obiang được nước Mỹ dành cho sự ưu ái như vậy là vì, theo như lời một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Guinea Xích đạo có quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ. Sản lượng dầu lửa gần 400.000 thùng mỗi ngày của nước này chủ yếu do các công ty của Mỹ như ExxonMobil, Hess và Marathon thống trị.

John Bennett, Đại sứ Mỹ tại Guinea Xích đạo từ năm 1991 đến 1994, cho biết, chính vì dầu lửa nên Washington đã làm ngơ trước nạn tham nhũng và đàn áp của gia đình Obiang vì Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này, trong khi đó các quan chức của Zimbabwe thì lại bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Cả hai nước này đều rất hà khắc, nhưng nếu Zimbabwe có được nguồn tài nguyên như của Guinea Xích đạo thì các quan chức Zimbabwe cũng sẽ không bị cấm vào Mỹ. Guinea Xích Đạo là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 ở châu Phi, sau Nigeria và Angola với doanh thu đạt được 3 tỉ USD mỗi năm, nhưng cũng là một trong những nước mà nạn tham nhũng phổ biến nhất thế giới nên hầu hết người dân đều sống trong nghèo đói với thu nhập chưa tới 1 USD một ngày mỗi người.

Những khoản thu nhập từ dầu lửa chủ yếu rơi vào tay gia đình Obiang và một số quan chức Nhà nước. Trên cương vị Bộ trưởng Nông lâm với khoản lương vào khoảng 60.000 USD/năm, nhưng ông Teodora Nguema Obiang lại có tiền mua khu nhà rộng 6,4ha trị giá 35 triệu USD tại Malibu, California. Được biết chính khu nhà này của ông Obiang đã bị một tổ chức chống tham nhũng quốc tế yêu cầu mở cuộc điều tra hồi năm 2006. Và cũng trong năm này, một tòa án ở Nam Phi đã ra phán quyết tịch thu hai ngôi nhà sang trọng do Teodora Obiang đứng tên ở Cape Town.

Thu nhập của Teodora Obiang chủ yếu là những khoản bòn rút, trộm cắp công quỹ hoặc những khoản tham nhũng. Chỉ từ tháng 4-2005 đến tháng 4-2006, Obiang đã chuyển ít nhất 73 triệu USD vào Mỹ, sử dụng các tập đoàn vỏ bọc và những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để rửa tiền, sau đó dùng những khoản tiền này để mua nhà cửa và phương tiện sang trọng, trong đó phải kể đến một chiếc máy bay phản lực. Thông thường các khoản tiền của Obiang sẽ xuất phát từ một ngân hàng ở trong nước, sau đó được chuyển sang ngân hàng trung ương của Pháp và cuối cùng được chuyển vào các tài khoản ở các ngân hàng của Mỹ như Wachovia, Bank of America và UBS. Năm 2006, chỉ trong 6 tuần, Obiang đã chuyển hơn 33.799.799 USD vào Mỹ. Khoản tiền này đã được dùng để mua chiếc máy bay phản lực Gulfstream V. Một phần thu nhập khác là từ khoản thuế Obiang áp cho gỗ xây dựng. Những khoản thuế này thay vì được chuyển vào kho bạc của Nhà nước lại được chuyển trực tiếp cho ông Bộ trưởng Obiang. 

Bộ An ninh nội địa Mỹ tiết lộ, Obiang thường xuyên đến Mỹ với một khoản tiền mặt trong tay lên tới 1 triệu USD mà ông không thể khai báo rõ nguồn gốc. Điều này được coi là một hành vi chuyển tiền bất hợp pháp có thể phải lĩnh án đến 5 năm tù giam. Hơn nữa, Obiang thường xuyên đến Mỹ bằng hộ chiếu ngoại giao, mặc dù không tham gia hoạt động ngoại giao. Năm 2004, Tổng thống Mỹ đã ra một công bố cấm các quan chức nước ngoài tham nhũng và thành viên những gia đình này nhập cảnh vào Mỹ. Chính tuyên bố này đã lại có những tác động tiêu cực đối với lợi ích an ninh quốc gia và hoạt động kinh doanh của Mỹ.

Và đến năm 2007, Quốc hội Mỹ thậm chí còn mạnh tay hơn khi thông qua quy định cấm tất cả những ai dính líu đến tham nhũng liên quan đến hoạt động rút ruột nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước họ nhập cảnh vào Mỹ. Gia đình Obiang và bản thân Guinea Xich Đạo đã trở thành trung tâm của những cáo buộc tham nhũng từ nhiều năm nay. Năm 2004, một ủy ban Thượng viện Mỹ đã cáo buộc Ngân hàng Riggs ở Washington làm ngơ trước những chứng cứ cho thấy ngân hàng này đang sử dụng những khoản tiền tham nhũng nước ngoài khi chấp nhận hàng trăm triệu USD tiền gửi từ Guinea Xích Đạo.

Sau đó, một vài giám đốc điều hành của ngân hàng này đã bị kết án, bản thân ngân hàng này đã bị phạt 25 triệu USD. Nhưng trong những năm gần đây, hàng triệu USD từ quốc gia này vẫn tìm được đường vào các tài khoản ngân hàng Mỹ trong đó có những ngân hàng như Wachovia, Bank of America và UBS. Tất nhiên, cả 3 ngân hàng này đều từ chối sự dính líu của họ đối với những hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp. Nhưng chính những khoản tiền tham nhũng như vậy lại cũng là nguồn làm giàu của các ngân hàng Mỹ.

Hiếu Trung

(Tổng hợp)