Dùng chiêu "phân tâm" để móc túi

ANTD.VN - Tờ DW (Đức) số ra mới đây cho biết, cảnh sát nước này phối hợp với cảnh sát Romania đã triệt phá một “nhánh” trong đường dây tội phạm móc túi được cho là lớn nhất châu Âu. Cảnh sát Đức nhận định, tội phạm móc túi đang là vấn đề rất “nóng” ở Đức hiện nay.

Dùng chiêu "phân tâm" để móc túi ảnh 1

Một “chiêu” của tội phạm là cố tình gây gián đoạn hoạt động của thang cuốn để móc túi nạn nhân

 Bắt giữ hàng loạt nghi can 

Hai vợ chồng người Romania phải hầu tòa tại Thủ đô Berlin hồi cuối tháng 10 vì cáo buộc đã đưa trẻ em đến Berlin để “hành nghề” móc túi. Theo cáo trạng, người chồng 37 tuổi và người vợ 35 tuổi thường xuyên gọi điện, chỉ đạo hai đứa trẻ 12 và 16 tuổi để buộc bọn trẻ phải móc túi kiếm tiền tại trạm xe lửa của thành phố.

Cặp đôi này cũng được cho là đã đến Berlin để kiểm tra tiền đã trộm cắp được và tìm cách chuyển tiền về Romania. Hai người đã bị bắt giữ ở Romania vào tháng 4 và bị dẫn độ sang Đức khoảng 1 tháng sau đó.

Thời gian qua, cảnh sát Đức và Romania đã phối hợp thực hiện chiến dịch quy mô lớn nhằm vào đường dây tội phạm móc túi xuyên quốc gia. Đầu tháng 10-2016, cảnh sát hai nước đã tiến hành 10 vụ khám xét tại một số địa điểm nghi vấn ở Đức và Romania, xác định 44 nghi phạm, ban hành lệnh truy nã quốc tế với 7 đối tượng. Cảnh sát Romania đã thu giữ khoản tiền trị giá 225.000 euro của tội phạm móc túi. 

Thông tin từ cảnh sát Romania cho hay, phần lớn nghi phạm liên quan đến đường dây tội phạm móc túi xuyên quốc gia sinh sống ở thị trấn Iasi, phía Đông Bắc Romania. Năm 2013, 79 người sống ở đây bị cáo buộc tham gia đường dây móc túi ở Berlin, trong đó có 7 kẻ cầm đầu, 54 người chưa thành niên.

Hé lộ những thủ đoạn

Theo nhận định của cảnh sát Đức, nạn móc túi đang rất “nóng” ở Đức. Hơn 40.000 vụ móc túi đã được ghi nhận ở Đức trong năm 2015, trong khi con số này cách đây 10 năm chưa đến 10.000 vụ. Mặc dù số liệu thống kê có thể chưa chính xác vì nhiều nguyên do khác nhau nhưng sự gia tăng các vụ móc túi là thực tế không thể phủ nhận.

“Việc triệt phá đường dây tội phạm móc túi xuyên quốc gia rất khó khăn. Bài toán đặt ra là làm sao để chứng minh hành vi móc túi thực hiện nhiều lần và được thực hiện một cách có tổ chức”, ông Thomas Neuendorf, phát ngôn viên cảnh sát Berlin nói với phóng viên tờ DW. 

Theo ông Thomas Neuendorf, thủ đoạn hoạt động của tội phạm móc túi rất đa dạng. Một số tội phạm sử dụng chiêu “phân tâm”, làm nạn nhân mất tập trung để tìm kiến cơ hội phạm tội.

“Quá trình điều tra cho thấy, có trường hợp, tội phạm chặn cửa xe buýt để tạo ra sự hỗn loạn trong thời gian ngắn hoặc cố tình gây gián đoạn hoạt động của thang cuốn nhằm móc túi nạn nhân. Tội phạm móc túi hoạt động theo nhóm nhỏ, có sự phân chia khá rõ nhiệm vụ của mỗi thành viên. Thông thường, một người sẽ thực hiện nhiệm vụ tạo tình huống,  khiến mọi người mất tập trung. Đối tượng thứ hai sẽ lợi dụng cơ hội để thực hiện hành vi trộm cắp. Trong khi đó, đối tượng thứ ba sẽ thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, thông báo cho đồng bọn những điều bất trắc có thể xảy ra”, ông Neuendorf nói. 

Ông Neuendorf cho biết thêm, mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi móc túi chỉ được chia số tiền nhỏ trong tổng số tiền kiếm được, phần lớn số tiền này rơi vào tay của những kẻ cầm đầu. Các băng nhóm tội phạm móc túi tìm cách trốn tránh các cơ quan chức năng bằng cách di chuyển thường xuyên giữa các thành phố.

Ngoài ra, chúng còn tăng cường sử dụng người chưa thành niên để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra tội phạm. “Các băng nhóm thường chỉ thực hiện hành vi trộm cắp, hiếm khi tham gia vào các hoạt động phạm tội có tổ chức khác như buôn bán ma túy”, ông Neuendorf nói thêm.

Theo phát ngôn viên của cảnh sát Berlin, thủ đoạn tấn công tình dục cũng được sử dụng nhằm tạo tình huống rối loạn để thực hiện hành vi móc túi. Vụ tấn công tình dục đêm giao thừa năm 2016 tại Cologne là một ví dụ. Một số đối tượng lợi dụng đồng bọn giở trò sàm sỡ phụ nữ để móc túi những người tham gia sự kiện đó.