Đức chặn làn sóng thâu tóm doanh nghiệp từ Trung Quốc

ANTD.VN - Ngày 2-11, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng việc Đức rút quyết định cho phép công ty Trung Quốc mua lại hãng sản xuất chip Aixtron SE của Đức có thể làm tổn thương quan hệ kinh tế song phương. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lo ngại của Đức về làn sóng đầu tư trực tiếp ồ ạt từ phía Trung Quốc là có cơ sở.

Đức chặn làn sóng thâu tóm doanh nghiệp từ Trung Quốc ảnh 1

Đức vừa ngăn Trung Quốc mua lại công ty điện tử Aixtron của nước này

“Vung tiền” mua doanh nghiệp ngoại

Hôm 24-10, Chính phủ Đức đã ngăn chặn Tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Tờ Süddeutsch Zeitung cho rằng, Đức ngăn chặn vụ mua bán này vì lý do an ninh. Theo đó, công ty điện tử nổi tiếng Aixtron hoạt động trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và là đối tác của cơ quan nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. 

Tuy vậy, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ ra hơn 10 tỷ EUR, tương đương với số tiền cả năm 2015 để mua lại 37 doanh nghiệp Đức, nhiều nhất châu Âu. Điển hình là Kuka, nhà sản xuất robot công nghiệp, đã được Midea, một nhà sản xuất thiết bị điện tử gia dụng nổi tiếng ở Quảng Đông trả giá 4,5 tỷ EUR trong năm nay. Các công ty Trung Quốc cũng mua các nhà sản xuất máy bơm bê tông và máy công cụ của Đức.

Không chỉ có Đức, cũng trong năm 2016 này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi hơn 180 tỷ EUR để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực.

Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc chi tiền trong các lĩnh vực nguyên tử, hóa học, công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ bóng đá. Còn tại Australia, quốc gia Thái Bình Dương này đã thu hút đến 1/3 tổng số đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc với lĩnh vực đầu tư chủ đạo là tài nguyên, chăn nuôi và hệ thống điện lực.

Đến lúc cần “tuýt còi”

Việc Trung Quốc vung tiền mua lại các doanh nghiệp tầm cỡ của nước ngoài cũng dễ hiểu. Đầu tiên phải kể đến phương châm: “Không cạnh tranh được thì mua lại” của người Trung Quốc. Kế hoạch phát triển đến năm 2025 được công bố năm ngoái đề ra mục tiêu Trung Quốc sẽ phấn đấu có 10 ngành công nghiệp tiên tiến, bao gồm máy công cụ và robot, hàng không vũ trụ, y học và công nghệ thông tin. Nếu Trung Quốc không thể đánh bại các công ty Đức hay Mỹ, họ sẽ mua lại. Hiển nhiên, phía Trung Quốc chấp nhận bỏ ra khoản đầu tư khổng lồ. 

Theo Le Figaro, những vụ mua bán của Trung Quốc cho thấy chiến lược đầu tư của Bắc Kinh. Không còn hài lòng là công xưởng của thế giới với ngành sản xuất quần áo, đồ chơi và thiết bị điện tử…, Bắc Kinh tìm cách bổ sung những gì còn thiếu: kinh nghiệm, bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Với việc thâu tóm các doanh nghiệp ngoài nước, Trung Quốc muốn tham gia vào hội đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp phương Tây.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn “nhạy cảm”, với bong bóng bất động sản, nợ xấu bùng phát, doanh nghiệp Nhà nước đình trệ.

Rất nhiều nhà đầu tư  Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài. Và vẫn theo Le Monde, lý do nhà đầu tư Trung Quốc chuyển hướng sang châu Âu còn vì Hoa Kỳ quyết định ngăn chặn mọi vụ đầu tư quá tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong làn sóng thâu tóm công ty nước ngoài này, Trung Quốc đã bị Đức và một số nước châu Âu “tuýt còi” bởi dòng vốn đầu tư ở dạng một chiều và đang trở nên thiếu bền vững.

Dù gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2001, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng Bắc Kinh vẫn lập ra hàng loạt chướng ngại vật đối với các công ty nước ngoài làm ăn tại thị trường của họ.

EU từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải mở rộng cửa hơn cho các công ty châu Âu nhưng Bắc Kinh tỏ ra là một người “khó mặc cả”. Điều đó không thể kéo dài, vì thế, hành động mới nhất của Berlin giống như một lời cảnh cáo rằng, các thương vụ mua bán, sáp nhập sẽ không còn dễ như trước.