Dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ cấm mua xe buýt, xe lửa Trung Quốc

ANTD.VN - Với lý do lo ngại về bảo mật, 2 dự luật của Quốc hội Hoa Kỳ đã đề xuất cấm sử dụng quỹ liên bang để mua xe buýt và xe lửa do các công ty thuộc sở hữu, được kiểm soát hoặc được ủy quyền bởi nhà nước Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng đây không phải là một đề xuất "khôn ngoan".

Hai phiên bản của Đạo luật ủy quyền quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm tài khóa 2020 được báo cáo vào ngày 19/7 đề xuất cấm sử dụng quỹ liên bang để mua xe buýt và xe lửa do các công ty thuộc sở hữu, được kiểm soát hoặc được ủy quyền bởi nhà nước Trung Quốc sản xuất vì những lo ngại về bảo mật.

"Tôi nghĩ rằng đề xuất này đã không được suy nghĩ kỹ. Người Mỹ phải ngồi lại và xem xét lại. Nó sẽ làm tổn thương người Mỹ nhiều hơn là giúp họ", Sarwar Kashmeri, trợ lý giáo sư Đại học Norwich nói với Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Tổng công ty đường sắt Trung Quốc (CRRC) là nhà sản xuất đầu máy xe lửa nhà nước đã thành lập các công ty con tại các thành phố Chicago và Springfield, bang Massachusetts, và tạo ra hàng trăm việc làm cho địa phương.

Chi nhánh của CRRC tại Chicago đã giành được hợp đồng trị giá 1,3 tỷ đô la vào năm 2016 để cung cấp 846 xe lửa cho Cơ quan Giao thông Chicago, nơi những chiếc xe lửa lâu đời nhất đã phục vụ trong hơn 30 năm. Bằng cách lắp ráp các đường ray ở Chicago, nó đang tạo ra khoảng 170 việc làm mới cho cư dân địa phương.

Công ty con tại Springfield xây dựng đường sắt cho Boston, Philadelphia và Los Angeles, điều đó cũng có nghĩa là có nhiều việc làm hơn cho cộng đồng địa phương và đóng góp lớn hơn cho hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả của Hoa Kỳ.

Trợ lý giáo sư Kashmeri, người đã thảo luận chi tiết với một quan chức cấp cao trong chính quyền của cựu Thống đốc bang Massachusetts Deval Patrick nói: "Xe lửa do CRRC cung cấp sẽ bắt đầu thay thế hạm đội già cỗi của Boston bắt đầu từ cuối năm nay".

Gói thầu ở Massachusetts đã thu hút một số nhà sản xuất xe lửa lớn nhất thế giới, bao gồm cả Kawasaki từ Nhật Bản, Huyndai từ Hàn Quốc, Bombardier từ Canada và CRRC từ Trung Quốc.

CRRC đã thắng thầu không chỉ vì giá đấu thầu thấp hơn mà còn bởi vì đây là nhà thầu duy nhất có hồ sơ hoàn hảo về thời hạn đáp ứng dự án.

Quan trọng hơn, CRRC đề nghị chuyển công nghệ lắp ráp của mình sang Massachusetts bằng cách đồng ý chuyển khâu lắp ráp cuối cùng sang Hoa Kỳ, bao gồm cả việc lắp đặt hệ thống dây điện và điện tử. CRRC MA, chi nhánh Springfield của CRRC, đã gửi 30 công nhân Hoa Kỳ đến nhà máy Trung Quốc để đào tạo.

"Nhờ CRRC, Massachusetts đang tạo ra cả một ngành công nghiệp... và hiện đang bắt đầu thấy kết quả của quyết định mà họ đưa ra", ông Kashmeri nói. "Họ có thể xuất khẩu công nghệ đường sắt đến các thành phố khác của Hoa Kỳ".