Dư luận quốc tế phản ứng với đòi hỏi phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

ANTD.VN - Cáo buộc của Trung Quốc rằng Việt Nam vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí tại bãi Tư Chính cho thấy rõ những đòi hỏi phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khiến dư luận quốc tế bất bình.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành khảo sát gần bãi Tư Chính của Việt Nam với các tàu hộ tống có trang bị vũ khí nhằm đe dọa và cản trở Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác khai thác dầu khí tại Biển Đông

Những lý thuyết mới lạ không dựa trên luật pháp quốc tế 

Bởi các hoạt động của tàu thăm dò Hải Dương 8 đều xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố mình có quyền và lợi ích, cho nên cần phải soi chiếu tính chất pháp lý của các hành động trên qua chế định về vùng đặc quyền kinh tế của luật pháp quốc tế, trong đó cơ sở pháp lý quan trọng nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng biển chỉ xuất hiện từ khi UNCLOS ra đời. Theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Các quốc gia ven biển phải tham gia UNCLOS và chính thức tuyên bố thì mới được hưởng các quy chế pháp lý của vùng biển dài 200 hải lý tính từ đường cơ sở này. 

 Ngày 12-5-1977, Việt Nam đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình và cũng đã cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý để có thể xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật pháp quốc tế.

Từ góc độ địa lý, khu vực bãi Tư Chính nằm cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế dưới 200 hải lý, trong khi đó nằm cách xa lục địa Trung Quốc tới trên 600 hải lý. Vì vậy, theo UNCLOS, khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Việc Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK tại khu vực này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo UNCLOS. 

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS): Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các hoạt động thuộc về khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển đặc quyền kinh tế. Các quyền này là độc quyền, tức là không một quốc gia nào khác có thể thực hiện các hoạt động kể trên khi không được phép. 

Là thành viên UNCLOS nhưng Trung Quốc lại tự cho mình có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong yêu sách “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông. Đây là yêu sách mơ hồ, không có bất kỳ bằng chứng pháp lý nào hỗ trợ, không dựa trên UNCLOS. Điều đó giải thích vì sao Trung Quốc luôn im lặng khi nhắc tới luật pháp quốc tế. Nếu bắt buộc phải đáp lại, Bắc Kinh thường chỉ sử dụng cơ sở duy nhất để ngụy biện là “quyền lịch sử”.

Nhưng những khái niệm mà Trung Quốc tự đưa ra như “các vùng nước liền kề”, “vùng biển liên quan” để tuyên bố chủ quyền với các khu vực ở Biển Đông hoàn toàn không có trong luật pháp quốc tế. Hay như cụm từ “vùng biển lịch sử”, khái niệm mà Trung Quốc thường dựa vào để biện minh cho hành vi xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, hoàn toàn không như quy định của UNCLOS.

Theo UNCLOS, “vùng biển lịch sử” phải đáp ứng ba yếu tố gồm Nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Vùng biển trong “đường chín đoạn” thậm chí không đáp ứng được một trong ba yếu tố đó thì làm sao Trung Quốc có thể cho là “vùng biển lịch sử” của mình?

Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng rằng, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”.

Tóm lại, Trung Quốc đã sử dụng những lý thuyết mới lạ mà không quốc gia nào chấp nhận, sử dụng ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ và tạo ra những điều huyễn hoặc nhằm biện minh một cách hợp pháp hành động của mình. 

Hành động không thể chấp nhận đối với bất cứ quốc gia thượng tôn pháp luật

Chính hành động coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và ổn định khu vực của Trung Quốc đã khiến dư luận quốc tế phản ứng mạnh mẽ. Trong buổi điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell đã cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành khảo sát gần bãi Tư Chính của Việt Nam với các tàu hộ tống có trang bị vũ khí nhằm đe dọa và cản trở Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác khai thác dầu khí tại Biển Đông.

Trước thực trạng này, cũng tại phiên điều trần, Thượng Nghị sĩ James Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Mỹ phải hành động, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có các hành động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Còn Thượng Nghị sĩ Menedez, thành viên cao cấp của Ủy ban trên, thì nhấn mạnh cần phải kiểm soát các hành động của Trung Quốc gây phức tạp tình hình Biển Đông, cũng như việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ mục đích quân sự.

Đây không phải lần đầu tiên, chính giới Mỹ bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Điểm đáng lưu ý là các phát biểu của phía Mỹ càng về sau càng mạnh mẽ hơn. Trong tuyên bố ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ bày tỏ “quan ngại” về việc Trung Quốc cản trở các “hoạt động dầu khí lâu đời” của Việt Nam và không khẳng định vùng biển của Việt Nam, không đề cập đến hành vi của nhóm tàu Hải Dương 8. Đến tuyên bố ngày 22-8, phía Mỹ đã thể hiện “quan ngại sâu sắc”, đồng thời chỉ trích trực diện hành vi của nhóm tàu Hải Dương 8, nêu rõ hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam là nằm “trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam yêu sách”.

Cũng không phải ngẫu nhiên khi 3 thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) là Pháp, Anh, Đức quyết định ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông. Mặc dù EU đã có những tuyên bố bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ UNCLOS, nhưng do tầm quan trọng cũng như sự phức tạp của vấn đề, Pháp, Anh, Đức muốn thể hiện rõ hơn lập trường của mình. Đặc biệt, Pháp, Anh, Đức nhấn mạnh giá trị phổ quát của 

UNCLOS, khẳng định UNCLOS đã quy định toàn diện tất cả các vấn đề biển và hoạt động biển của các nước phải trên cơ sở UNCLOS, nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Tuyên bố này chính là để bác bỏ những lập luận sai trái về quyền lịch sử hay yêu sách về vùng biển trái với quy định của UNCLOS mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua.

Nhiều nước có lợi ích thiết thân trong việc duy trì hòa bình ổn định, trật tự pháp luật tại vùng biển kết nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đều lên tiếng xung quanh việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi liền với việc bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, các nước trên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, kêu gọi tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao.