Dù kiểm soát thành công Covid-19, số phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Nhật Bản vẫn giảm mạnh

ANTD.VN - Đối với ông Abe Shinzo, 2 tuần vừa qua đánh dấu rất nhiều bước tiến trong công cuộc kiểm soát đại dịch Covid-19, đưa đất nước từ mức báo động quay trở lại lao động, sản xuất.  Đạt được những thành công chưa được bao lâu, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản lại bị chỉ trích do loạt bê bối liên quan đến người đứng đầu Văn phòng Công tố viên cao cấp Tokyo và dự luật kéo dài tuổi lao động của các công tố viên.

Dù kiểm soát thành công Covid-19, số phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Nhật Bản vẫn giảm mạnh ảnh 1Số phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo giảm mạnh trong nhiều tuần qua

Tai tiếng vì bài bạc

Hôm 22-5, ông Himuro Kurokawa, người đứng đầu Văn phòng Công tố viên cao cấp Tokyo, đã từ chức sau khi một tờ báo phanh phui việc ông này tham gia đánh mạt chược với các phóng viên 2 lần. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang lây lan và ảnh hưởng nặng nề, việc một quan chức có hành vi tụ tập như vậy đã bị lên án mạnh mẽ, bởi nó đi ngược lại những gì chính phủ kêu gọi về giãn cách xã hội.

Vụ việc của ông Kurokawa đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của Thủ tướng Abe Shinzo. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Nhật Bản đã đề ra dự luật kéo dài tuổi lao động cho các công tố viên. Dự luật này được cho là sẽ góp phần giúp ông Kurokawa trở thành Tổng Công tố viên. Tuy nhiên, dự luật đã bị liên minh cầm quyền tạm hoãn lại hôm 24-5 vừa qua. 

Mặc dù vụ bê bối của ông Kurokawa được xác nhận không liên quan tới chính quyền Thủ tướng Nhật Bản, song mối quan hệ với một công tố viên bị chỉ trích cũng gây ra nhiều rắc rối đối với ông Abe Shinzo, nhất là khi nhiều người cho rằng ông Abe đưa ra dự luật mới nhằm “nâng đỡ” ông Kurokawa. Được biết, ông Kurokawa có mối quan hệ tương đối thân thiết với chính quyền Thủ tướng Abe, đặc biệt là với Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. 

Bởi vậy, tờ Kyodo News cho hay, để duy trì mối quan hệ hữu hảo này, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản đã có những bước đi bất bình thường để đưa ông Kurokawa vào danh sách Tổng Công tố viên. Cụ thể, tháng 1 vừa qua, nội các đã chấp thuận gia hạn nhiệm kỳ cho ông Kurokawa  trước khi ông bước sáng tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tới tháng 3, nội các tiếp tục trình ra một dự luật mới về độ tuổi lao động. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của công tố viên và tổng công tố viên sẽ được lui từ 63 tới 65 tuổi. Ngoài ra, một vài trường hợp đặc biệt được nội các chấp thuận sẽ làm việc tới năm 68 tuổi. 

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản sau đó đã cam kết sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật mới trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau khi vấp phải sự phản đối gay gắt từ phe đối lập và công chúng, Ủy ban Nội các Hạ viện bất ngờ hoãn bỏ phiếu và chính quyền Thủ tướng cũng từ bỏ dự luật này. Hai vụ việc trên đã trở thành minh chứng cho thấy các vấn đề bên trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản. Phát biểu về những bê bối này, Thủ tướng Nhật Bản cho hay, chính Bộ Tư pháp là cơ quan đề xuất dự luật kéo dài độ tuổi lao động. Tuy nhiên, ông Abe cũng thừa nhận có trách nhiệm khi đã để nội các phê duyệt dự luật này. 

Số phiếu tín nhiệm giảm mạnh

Sau vụ việc trên, số người ủng hộ ông Abe đã giảm 13 điểm xuống còn 27% kể từ ngày 6-5, trong khi số người phản đối tăng vọt từ 45% lên 64%. Giáo sư Harukata Takenaka của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Tokyo cho hay, vụ bê bối về dự luật nghỉ hưu thật ra không gây hệ quả nghiêm trọng bằng cách phản ứng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đối với đại dịch Covid-19. Theo ông Takenaka, Thủ tướng Abe nên cân nhắc kỹ lưỡng và phối hợp với liên minh cầm quyền để kiểm soát dịch bệnh. Nếu Thủ tướng quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sớm hơn và không có những thay đổi trong các gói cứu trợ thì tỷ lệ ủng hộ của ông sẽ không giảm mạnh như vậy. 

Trước đó, vào giữa tháng 4-2020, 2 đảng lớn là đảng Dân chủ cầm quyền (LDP) và đảng Komeito đã tranh cãi gay gắt về kế hoạch cứu trợ kinh tế khẩn cấp của chính phủ. Cụ thể, LDP dự kiến sẽ tung ra gói cứu trợ 300.000 Yên (khoảng 2.800 USD) cho các hộ gia đình đủ điều kiện nhận. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Komeito sau đó đã đàm phán trực tiếp với Thủ tướng Abe về việc thay đổi gói cứu trợ sang 100.000 yên/người (980 USD). Điều này đã khiến nhiều người cho rằng ông Abe đang mất dần quyền kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Takenaka cho rằng vẫn còn cơ hội cho Thủ tướng Abe để lật ngược tình hình. Giờ đây, mối quan tâm hàng đầu của người dân Nhật Bản vẫn là khả năng kiểm soát dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế. Bởi vậy, nêu ông Abe có thể hạn chế tối đa mức độ lây lan của SARS-CoV-2 và vực dậy nền kinh tế bị tổn hại nặng nề trong những tháng đầu năm 2020, số phiếu tín nhiệm của ông sẽ nhanh chóng tăng trở lại.