Dư chấn từ Afghanistan
(ANTĐ) - Không phải khủng hoảng trong nước mà tác động từ chiến trường Afghanistan xa xôi lại làm Chính phủ Hà Lan sụp đổ. Sức tàn phá của cơn dư chấn từ Afghanistan thật khó đoán trước.
Lính Hà Lan trên chiến trường Afghanistan |
Hôm 20-2, đích thân Thủ tướng Hà Lan P. Balkenende đứng ra thông báo cho biết chính phủ của ông đã sụp đổ sau khi các thành viên trong chính phủ liên minh không đạt được đồng thuận về lời đề nghị của NATO nhằm kéo dài sứ mệnh quân sự của Hà Lan tại Afghanistan.
Sau cuộc đàm phán kéo dài tới 16 tiếng, đề xuất của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung-hữu của ông P. Balkenende về việc duy trì một lực lượng nhỏ lính Hà Lan ở lại Afghanistan thêm một năm sau khi thời hạn chót kết thúc vào tháng 8-2010 đã vấp phải sự phản đối gay gắt của lực lượng đồng minh trong chính phủ là Công đảng.
Hiện có 71 nghìn binh sĩ NATO đang được triển khai tại Afghanistan trong đó gần một nửa là lính Mỹ, Hà Lan có 2.000 quân. Ngoài ra, Mỹ còn triển khai 36.000 binh sĩ ngoài NATO thực hiện các nhiệm vụ độc lập khác. Tưởng rằng với quân hùng tướng mạnh như vậy, ván cờ trên chiến trường Afghanistan sẽ sớm đi đến hồi kết. Thế nhưng, sau cuộc bàn giao rầm rộ vai trò vãn hồi hòa bình ở Afghanistan từ Mỹ sang NATO, mọi chuyện chẳng diễn ra suôn sẻ như Mỹ và NATO mong đợi.
Trong năm qua, 300 binh lính Mỹ đã bỏ mạng hoặc mất tích và 2.100 binh lính khác bị thương tại Afghanistan. Còn theo dự đoán của tướng Mỹ về hưu B. McCaffrey, thương vong hàng tháng của quân Mỹ tại Afghanistan trong năm 2010 sẽ lên tới hàng trăm người và tốn phí cho cuộc chiến ít nhất phải từ 5 - 10 tỷ USD/tháng. Ấy vậy mà theo cảnh báo của giới chuyên gia quân sự Canada và Mỹ được đăng tải trên tờ “Công dân Ottawa” của Canada số ra mới đây, không loại trừ khả năng Taliban sẽ giành thắng lợi, từ đó đặt ra yêu cầu lực lượng liên quân phải bảo vệ dân chúng và thay đổi nhận thức về Taliban.
Thậm chí cách đây mấy ngày, Taliban còn công khai mời phóng viên phương Tây đi thực tế tại vùng chiến sự Taliban để có thể tận mắt chứng kiến chiến dịch mà Mỹ, NATO và Chính phủ Afghanistan đang tiến hành ở Marja chẳng những không buộc được Taliban tháo chạy, mà ngược lại, lực lượng đa quốc gia lại đang “rơi vào vòng vây” của Taliban. Trong chuyến thăm này, các nhà báo cũng được tới thăm căn cứ của Taliban ở tỉnh Helmand.
Thực tế nghiệt ngã đó đã làm nản lòng nhiều đồng minh của Mỹ trong NATO, những nước có quân tại Afghanistan. Chiến trường Afghanistan giờ như cơn động đất đang làm rung chuyển chính trường Mỹ và các nước NATO. Kết quả thăm dò dư luận ở Canada cho thấy có tới 2/3 người dân xứ tuyết trắng này cho rằng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cầm đầu tại quốc gia Nam Á này sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại đây.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Phó Thủ tướng Hà Lan W. Bos, thủ lĩnh Công đảng, tuyên bố thẳng nước này muốn sứ mệnh tại Afghanistan kết thúc theo như cam kết, tức là binh sĩ cuối cùng của Hà Lan phải rời khỏi tỉnh Urugan vào tháng 8 năm nay, Hà Lan đã mất 21 binh sĩ tại chiến trường Afghanistan và nước này không muốn mất thêm một binh sĩ nào nữa. Cơn dư chấn mang tên Afghanistan bao giờ mới chấm dứt?
Hoàng Sơn