Đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

ANTĐ - Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài, 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) đã nhất trí thông qua Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.

Đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1Quang cảnh Hội nghị COP21 tại Paris - Pháp

Đây có thể coi là bước đột phá của cộng đồng quốc tế và LHQ trong nỗ lực kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục các Chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái đất tăng lên. Đánh giá về kết quả Hội nghị COP21, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với Trái đất và người dân địa cầu”.

Từ nhiều thập kỷ nay, biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức mang tính toàn cầu. Báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Khí tượng Anh cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,02 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và các hoạt động của con người là nhân tố chính làm biến đổi khí hậu. Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao, sa mạc hóa gia tăng, bão mạnh lên… với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm đều liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Nhận thức rõ hiểm họa này nhưng thế giới lại bị chia rẽ trong cuộc chiến chống lại thách thức của biến đổi khí hậu. Trong khi các nước nghèo yêu cầu các nước giàu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn bởi họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế từ sau cách mạng công nghiệp để làm giàu cho chính mình, thì các quốc gia phát triển lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn, bởi chính những quốc gia này đang tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, để phục vụ cho nền kinh tế đang lớn mạnh của mình.

Lời qua tiếng lại khá căng thẳng, thậm chí Thủ tướng Ấn Độ N. Modi cho rằng, những quốc gia nghèo vẫn cần phải sử dụng những nguồn năng lượng hóa thạch để thoát nghèo và các quốc gia giàu có nên đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải ở mức cao hơn, bởi cho tới nay lượng khí thải công nghiệp ở các quốc gia giàu có vẫn đang rất cao. Còn Tổng thống Dimbabue R. Mugabe thì chỉ trích các quốc gia giàu có đang đặt gánh nặng dọn dẹp “đống hỗn độn” do chính họ gây ra lên vai những quốc gia nghèo.

Trong bối cảnh đó, kết quả của Hội nghị COP21 thật đáng ghi nhận. Lần đầu tiên, 195 quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới mức thấp nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái đất cộng với công nghệ “thu gom khí thải”.  

Về trách nhiệm của các bên, thỏa thuận quy định các quốc gia phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải, trong khi các nước đang phát triển được khuyến khích nhanh chóng giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước giàu. Các nước phát triển cũng cam kết sẽ chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt. 

Những thỏa thuận trên được đánh giá là công bằng, bền vững và quan trọng nhất là có tính ràng buộc về pháp lý. Đây sẽ là công cụ quan trọng của loài người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để bảo vệ sự tồn tại của chính mình trong tương lai.