Động thái có chủ đích của Bắc Kinh

ANTĐ - Việc đồng Nhân dân tệ chỉ trong 3 ngày bị hạ giá liên tiếp với mức kỷ lục kể từ khi Trung Quốc lập nên hệ thống hối đoái hiện đại năm 1994 chẳng khác nào  cơn lốc bất ngờ nổi lên, khiến các nước gấp rút tìm cách che chắn. 
Động thái có chủ đích của Bắc Kinh ảnh 1

Hệ lụy của việc đồng Nhân dân tệ bị phá giá đang khiến nhiều nước lo ngại

Thông thường, tỷ giá cần ổn định để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời giúp người dân tăng niềm tin vào đồng nội tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ấy vậy nhưng trong một động thái được giải thích là nhằm phản ứng tốt hơn với diễn biến thị trường, Trung Quốc đã quyết định hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. 

Theo giải thích của Bắc Kinh thì đồng tiền “quá tải” đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, khiến các sản phẩm của họ có giá đắt đỏ hơn các nơi khác trên thế giới. Bằng chứng là tháng 7, xuất khẩu Trung Quốc đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP trong năm nay của nước này không vượt quá con số tăng trưởng 7%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thậm chí còn có thể giảm thêm vào năm tiếp theo.

Ấy thế nhưng đa số các nhà phân tích lại cho rằng đây là động thái có chủ đích của Bắc Kinh nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh. Thực tế thì thị trường tiền tệ thế giới đã nhanh chóng “nếm trải” những tác động không nhỏ sau quyết định của Trung Quốc. Các đồng tiền của các nước quanh khu vực như Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore cũng trượt giá theo ở mức trên dưới 1%.

Theo phân tích, 8 nhóm phải chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tỷ giá của đồng Nhân dân tệ lần này là các nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, du học, mua hàng nước ngoài, du lịch nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều đồng nhân dân tệ và người nước ngoài đến đầu tư thu lợi tại Trung Quốc.

Khi đồng Nhân dân tệ yếu đi, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm, khả năng cạnh tranh với hàng hóa các nước khác sẽ tăng lên. Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm vị trí rất lớn trong xuất nhập khẩu toàn cầu, với gần 4.000 tỷ USD, nhiều nước lo ngại dòng hàng Trung Quốc sẽ tràn vào, khiến nhiều doanh nghiệp nội không cạnh tranh được, dẫn tới suy giảm quy mô, cắt giảm việc làm.

Chẳng thế mà ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa của Mỹ, ông D. Trump đã phải thốt lên rằng, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá sẽ “tàn phá” nước Mỹ. Trên lý thuyết, một đồng Nhân dân tệ yếu có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc, vốn đã giảm 5% tính đến tháng 6-2015. 

Nhiều chính trị gia Mỹ đã phản đối kịch liệt động thái giảm giá đồng tiền này, bất chấp lời giải thích của Trung Quốc rằng động thái này là kết quả của tiến trình cải cách nhằm tạo tiền đề cho phép các tác nhân thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền ngoại tệ.

Chưa biết quyết định của Trung Quốc có dẫn đến một cuộc “chiến tranh tiền tệ” hay không nhưng tác động của nó thì nền kinh tế thế giới đã cảm nhận rõ.