Đông Nam Á trước mối đe dọa an ninh

ANTD.VN - Vài ngày qua, xung đột giữa quân đội Philippines và nhóm phiến quân Abu Sayyaf đã nổ ra dữ dội tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao ở miền Nam nước này, làm nhiều người thiệt mạng. Theo giới phân tích, tình hình khủng bố tại Philippines đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa tới an ninh toàn bộ khu vực. 

Quân Chính phủ Philippines truy quét phiến quân tại Marawi

Philippines tuyên bố thiết quân luật

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố thiết quân luật đối với toàn bộ hòn đảo Mindanao trong vòng 60 ngày, thậm chí có thể sẽ kéo dài tới 1 năm. Ông Duterte từng 22 năm làm Thị trưởng và tốn không ít công sức để dẹp bỏ tệ nạn ma túy, lập lại trật tự tại thành phố Marawi. Năm 2015, Marawi vinh dự được nhận danh hiệu thành phố an toàn đứng hàng thứ 9 trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, những cuộc chiến của ông Duterte với tệ nạn ma túy cũng như lực lượng phiến quân tại miền Nam Philippines không vì thế mà dừng lại. Cuối năm 2016, ông Duterte một lần nữa nhấn mạnh thiết quân luật là giải pháp cấp bách để đối phó với tình trạng bạo lực tại miền Nam nước này, đặc biệt là khu vực đảo Mindanao.

Đây không chỉ là địa bàn hoạt động chính của một số nhóm phiến quân Hồi giáo tại Philippines, mà còn phát triển thành mối nguy hại tiềm ẩn đối với an ninh toàn khu vực, sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông thiết lập đường dây liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực này. 

Thêm vào đó, IS hiện đã công khai mục tiêu thiết lập chi nhánh của chúng tại khu vực Đông Nam Á. Theo chuyên gia nghiên cứu Rohan Gunaratna - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố quốc tế thuộc Viện nghiên cứu S.Rajaratnam, trường ĐH Công nghệ Nanyang,  Singapore, một trong những thách thức nguy hiểm nhất mà thế giới đang phải đối mặt trong năm 2017 là IS sẽ mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động của chúng ra phạm vi toàn cầu, trở thành lực lượng khủng bố quốc tế.

Điều này cũng giống như sự phát triển của mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002, từ các căn cứ địa thiết lập tại Afghanistan và Pakistan đã nhanh chóng phát triển ra tất cả các khu vực trên toàn thế giới. 

Hiện nay, một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã chọn miền Nam Philippines làm địa bàn hoạt động của mình. Ngoài ra, Indonesia và Malaysia cũng có khả năng sẽ trở thành các trung tâm ở nước ngoài của IS. Về tổng thể, lực lượng khủng bố tại Philippines, Indonesia và Malaysia có thể sẽ phát triển và hình thành thế “chân vạc” tại khu vực Đông Nam Á. 

Xung đột vũ trang tại Mindanao  

Khi liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu tăng cường tiêu diệt cái gọi là Vương quốc Hồi giáo, người ta dự đoán rằng các phần tử thánh chiến sẽ cố gắng tìm cách chạy trốn, hoặc trở về quê hương, hoặc tìm đến các khu vực xung đột khác. Đông Nam Á gần đây được IS lựa chọn là địa điểm thích hợp để thành lập Vương quốc Hồi giáo.

Mindanao, nơi diễn ra cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa quân đội Chính phủ Philippines và các tổ chức Hồi giáo cực đoan, được các nhà phân tích nhận định sẽ là địa điểm lý tưởng tiếp theo của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Họ cho rằng IS có thể sẽ chọn Mindanao làm bàn đạp để thành lập Vương quốc Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á. Quan điểm này đã bỏ qua những thực tế khác nhau về kinh tế - xã hội ở miền Nam Philippines. Các doanh trại thánh chiến đã được thành lập ở miền Trung Mindanao, nhưng chúng được sử dụng làm các trại huấn luyện cho một số lượng nhỏ chiến binh nước ngoài. 

Xung đột vũ trang ở Mindanao thực chất là một mớ hỗn hợp của sự tranh giành quyền lực, đấu đá chính trị giữa các gia tộc và một phần được thổi phồng bởi những câu chuyện tôn giáo từ rất lâu đời của khu vực này. Sự thông đồng giữa các quan chức địa phương, các tộc trưởng và quân đội thân gia tộc trong các hoạt động tội phạm có tổ chức có thể bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha, thậm chí trước khi bang Mindanao được thành lập như hiện nay. 

Các nhóm phiến quân như Abu Sayyaf đã duy trì sự tồn tại của mình bằng cách thực hiện các hành vi phạm tội như tống tiền và bắt cóc đòi tiền chuộc. Sau cái chết của thủ lĩnh Abdurajak Abubakar Janjalani, một nhà truyền giáo theo đạo Hồi từng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của trùm khủng bố Osama Bin Laden, Abu Sayyaf  đã chia thành hai nhóm chính mà các thủ lĩnh của chúng đều đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 2006-2007. Từ đó trở đi, Abu Sayyaf chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn và duy trì hoạt động dựa trên các mối quan hệ họ hàng hoặc cá nhân. 

Isnilon Hapilon, kẻ cầm đầu nhóm Abu Sayyaf ở Basilan, đã cố gắng giành sự chú ý của giới lãnh đạo IS bằng cách cam kết trung thành với lãnh tụ tinh thần tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi vào năm 2014. Với động thái này, Hapilon muốn gia tăng ảnh hưởng đối với nhóm Abu Sayyaf ở Sulu, vốn luôn thành công trong các phi vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Đáp lại, giới lãnh đạo IS, thông qua ấn phẩm Dabiq của mình, truyền tải thông điệp rằng IS chấp nhận cam kết của Hapilon nhưng đã “trì hoãn việc công bố Mindanao thành một Wilayah (tỉnh lị)”. 

Lãnh đạo IS miễn cưỡng tuyên bố Wilayah có lẽ là do nhóm Abu Sayyaf Basilan của Hapilon không đủ khả năng quản lý trên thực tế. Nhưng ngay cả khi Hapilon bằng cách nào đó có thể kiểm soát khu vực Mindanao rộng lớn, thì IS vẫn có thể thay đổi những ưu tiên chiến lược. Có suy đoán cho rằng IS có thể đã từ bỏ mô hình mở rộng Wilayah. Thay vì tuyên bố là một tiểu vương, Hapilon muốn được gọi là “Thống đốc” của IS khi Philippines được coi là một phần của “vùng đất thánh chiến,” chứ không phải là “vùng đất của Vương quốc Hồi giáo.” 

Hiện tại, Manila đang cố gắng tái khởi động tiến trình hòa bình Mindanao vốn bị đình trệ bằng cách triệu tập lại Ủy ban chuyển tiếp Bangsamoro (BTC). BTC được giao nhiệm vụ soạn thảo luật cơ bản giúp thành lập một chính quyền tự trị Bangsamoro mới ở Mindanao. Người ta hy vọng rằng, quyền tự chủ về chính trị ở Mindanao sẽ giúp cách ly người đạo Hồi Philippines khỏi bị các tổ chức cực đoan lôi kéo, tuyển dụng và làm giảm sự hấp dẫn tuyên truyền của IS. Tuy nhiên, những diễn biến bạo lực mới nhất ở Marawi cho thấy tiến trình hòa bình sẽ còn rất nhiều gian truân. 

“Đảo Mindanao đã trở thành căn cứ địa của các phần tử khủng bố khu vực. Một số phần tử sau khi được huấn luyện hoặc từng có kinh nghiệm khủng bố ở nước ngoài đã trở về hoạt động tại khu vực này. Vấn đề của Philippines cũng là vấn đề của Đông Nam Á, đường đi của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực này tới Trung Đông và gia nhập IS cho đến nay vẫn chưa bị chặt đứt”. 

Rohan Gunaratna,(Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Viện Nghiên cứu S.Rajaratnam, trường ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore)

Đông Nam Á trước mối đe dọa an ninh ảnh 3

“Tôi kêu gọi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan đang giao tranh với lực lượng quân đội tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao chấm dứt hành động thù địch và đối thoại với Chính phủ. Nếu giao tranh không chấm dứt, quân đội Philipines sẽ tiếp tục các chiến dịch tấn công và truy quét. Việc xuất hiện công dân nước ngoài trong nhóm phiến quân Hồi giáo đang cố thủ tại thành phố Marawi là minh chứng rõ ràng về việc có sự tham gia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực này”.

 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Đông Nam Á trước mối đe dọa an ninh ảnh 4

“Tôi cho rằng chỉ trong khoảng 1 tuần là có thể giải quyết xong khủng hoảng ở Marawi. Cần nghiêm trị khủng bố Maute nếu lực lượng này không trả lại tự do cho thành phố Marawi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana