Đông Bắc Á lại nóng

(ANTĐ) - Chưa đầy một tháng sau cuộc diễn tập tàu ngầm chung, Mỹ và Hàn Quốc lại bắt đầu cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG). Bán đảo Triều Tiên lại nóng.

Đông Bắc Á lại nóng

(ANTĐ) - Chưa đầy một tháng sau cuộc diễn tập tàu ngầm chung, Mỹ và Hàn Quốc lại bắt đầu cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG). Bán đảo Triều Tiên lại nóng.

Người Hàn Quốc biểu tình tại Thủ đô Seoul phản đối cuộc tập trận
Người Hàn Quốc biểu tình tại Thủ đô Seoul phản đối
cuộc tập trận

Kéo dài hai tuần tại khu vực phía Nam Bán đảo Triều Tiên, UFG là cuộc tập trận giả định trên máy tính, tập trung vào các hoạt động kiểm soát khủng hoảng nhằm đối phó với những hành động khiêu khích cục bộ không cân xứng. Khoảng 56.000 binh sĩ Hàn Quốc và 30.000 lính Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận này, trong đó có 3 nghìn lính được điều động trực tiếp từ Mỹ sang.

Nếu như cuộc tập trận Mỹ - Hàn hồi tháng 7 vừa rồi gây sự chú ý của dư luận bởi sự xuất hiện của các phương tiện chiến tranh hiện đại như tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của Mỹ, tàu đổ bộ 14.000 tấn Dokdo, tàu khu trục 4,500 KDX-II, tàu ngầm 1.800 tấn lớp Son Won-il của Hàn Quốc, thì UFG lại gây ấn tượng bởi sự tham gia của số đông quân số (nhiều gấp 3 lần so với những năm trước), đặc biệt là lính Mỹ. Theo mô tả của tướng Walter Sharp, Tư lệnh lính Mỹ tại Hàn Quốc, đây là “một trong những cuộc tập trận chung kết hợp giả lập và thực địa lớn nhất trên thế giới”.

Thêm vào đó, là cuộc tập trận thường niên nhưng lại diễn ra ngay sau cuộc tập trận tàu ngầm và với quy mô lớn tới mức bất ngờ, UFG buộc người ta phải đặt câu hỏi về thông điệp mà UFG muốn phát đi. Những diễn biến theo chiều hướng ngày càng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trong những tháng qua sau vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và bế tắc của cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên dễ dàng cho người ta câu trả lời.

Khi mà các cánh cửa phòng hội đàm bị khép kín và chưa có cách nào để mở, thì sức mạnh quân sự lại đang được trưng ra để răn đe đối phương. Thông điệp mà UFG đưa ra tất nhiên là nhằm vào CHDCND Triều Tiên, nước mà Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc là “thủ phạm trong vụ đắm tàu Cheonan”. Washington và Seoul đã tuyên bố thẳng là cuộc tập trận nhằm mục tiêu phòng thủ và buộc Bình Nhưỡng “dừng các hành động gây hấn trong tương lai”.

Phản ứng trước lời tuyên bố của Washington và Seoul, người phát ngôn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Triều Tiên cáo buộc đây là một “hành động nguy hiểm châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới”, đồng thời khẳng định quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bao giờ phải chịu áp lực từ những hành động “khiêu khích chiến tranh liều lĩnh” và sẽ có “đòn giáng trả khốc liệt” vào các thế lực hiếu chiến.

Nhưng ít ai dự đoán rằng CHDCND Triều Tiên sẽ có “hành động đáp trả quân sự” mạnh với cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn. Xem ra, tất cả sẽ chỉ dừng lại ở những đòn gió, ngoại trừ khả năng Bình Nhưỡng có thể lại thử tên lửa tầm ngắn tại các vùng biển nhạy cảm. Hệ quả lớn nhất từ những lời đe dọa này là Bán đảo Triều Tiên vốn đã nóng lại tiếp tục nóng lên và cơ hội đưa các bên liên quan trở lại bàn đàm phán 6 bên với sự tham dự của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng mờ mịt.

Hoàng Sơn