Đòn trả đũa của Nga

ANTĐ - Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây leo lên một nấc thang mới khi Matxcơva quyết định mở rộng thêm lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Nga.

Đòn trả đũa của Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm một cửa hàng thực phẩm sau lệnh cấm nhập nông sản từ EU

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga Rosselkhoznadzor cho biết, nước này bắt đầu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, mỡ và nội tạng động vật có ngồn gốc châu Âu từ ngày 21-10. Lý do, theo Rosselkhoznadzor, là do các nhà sản xuất châu Âu vi phạm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi phát hiện 17 sản phẩm không đạt chất lượng có xuất xứ từ Áo, Đức, Đan Mạch, Italia và Ba Lan được nhập vào Nga trong 2 tháng qua. Cụ thể hơn, Ropotrebnadzor cho biết đã phát hiện ấu trùng của một loài sâu bướm có hại trong một số lô hoa quả nhập khẩu từ châu Âu nên lo ngại nguy cơ bùng phát khuẩn salmonella, có thể biến thức ăn thành độc tố. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, lệnh cấm nhập khẩu trên thực chất là quyết định mở rộng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu mà Matxcơva đã áp đặt trước đó. Bởi sau khi bị Mỹ và phương Tây trừng phạt hồi tháng 8 vừa qua do cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã ngay lập tức đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng như thịt, cá, hoa quả và rau có nguồn gốc từ các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số nước khác như Australia và Na Uy.

Có thể thấy cuộc chiến kinh tế-thương mại giữa phương Tây và Nga do khủng hoảng Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng dù hai bên đều chịu thiệt hại nặng nề. Trong khi các chuyên gia kinh tế đánh giá sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể làm giảm tới 1,5% GDP của nước Nga trong năm 2014 thì đòn trả đũa của Matxcơva cũng gây thiệt hại hàng chục tỷ USD cho phương Tây, đặc biệt là nông dân EU.

Theo đánh giá, các quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất từ sự trả đũa trừng phạt kinh tế của Nga là Ba Lan, Latvia, Czech, Hà Lan và Bỉ với thiệt hại cho EU ước tính trên 12 tỉ Euro. Người phát ngôn của Ủy ban Nông nghiệp EU Roger Waite phải cảnh báo về “nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới” do các sản phẩm như cà rốt, cà chua, bắp cải, nấm, táo, lê, nho… không có thị trường tiêu thụ và tụt giá.

Trước ảnh hưởng tiêu cực từ việc Nga trừng phạt các nhà sản xuất nông sản và thực phẩm châu Âu, một số thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) phải có chính sách hỗ trợ nông dân. Trung tuần tháng 9 vừa qua, ngoài chương trình hỗ trợ ngắn hạn 125 triệu Euro, EC đã quyết định thực hiện một số giải pháp khẩn cấp giải ngân quỹ dự phòng 420 triệu Euro mỗi năm để hỗ trợ các nhà sản xuất nông sản trong EU.

Nhằm giảm thiểu tác hại tiêu cực của trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây tới nền kinh tế, Nga đã chuyển hướng đẩy mạnh hợp tác với các thị trường khác, nhất là châu Á và Mỹ Latin. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây chắc chắn không làm thay đổi lập trường và chiến lược của Nga trong vấn đề Ukraine và đòn trừng phạt kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên có thể dẫn đến bất ổn khôn lường với cả thế giới.