Đòn răn đe ngầm

(ANTĐ) - Trong khi giới quân sự Mỹ vỗ tay hoan hỉ để mừng việc dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ thành công vệ tinh do thám bay trên quỹ đạo thì các quốc gia như Nga và Trung Quốc lại lo ngại việc làm này có thể lại châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đòn răn đe ngầm

(ANTĐ) - Trong khi giới quân sự Mỹ vỗ tay hoan hỉ để mừng việc dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ thành công vệ tinh do thám bay trên quỹ đạo thì các quốc gia như Nga và Trung Quốc lại lo ngại việc làm này có thể lại châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Vệ tinh do thám đang bay trên quỹ đạo trái đất
Vệ tinh do thám đang bay
trên quỹ đạo trái đất

Vệ tinh do thám USA 193 của Mỹ được phóng lên quỹ đạo tháng 12-2006 nhưng mất liên lạc ngay sau đó. Do mất điều khiển nên vệ tinh do thám này dự kiến rơi trở lại trái đất vào cuối tháng 2 này hoặc đầu tháng 3 tới.

Thông thường một vệ tinh như USA 193, nặng 2.270 kg và có kích thước cỡ một chiếc xe tải loại nhỏ, sẽ vỡ tan và cháy rụi khi rơi vào bầu khí quyển dày đặc của trái đất. Thực tế, gần như tất cả các loại vệ tinh không còn tác dụng đều trở lại trái đất theo cách như vậy.

Thế nhưng, giới chức Mỹ lại cho rằng trên vệ tinh USA 193 còn có bình nhiên liệu chứa 500kg khí hydrazine nhiên liệu rất độc hại. Bởi thế, theo họ phải dùng tên lửa đánh chặn để phá hủy vệ tinh. Đích thân Tổng thống George W. Bush đã phê chuẩn kế hoạch dùng tên lửa đánh chặn để bắn hạ vệ tinh do thám.

Vào tối 20-2 (sáng 21-2 giờ Việt Nam), các quan chức chóp bu của Lầu Năm góc đã hoan hỉ vỗ tay tán thưởng khi quả tên lửa SM-3 phóng lên từ loại tàu phòng không hiện đại nhất Aegis mang tên USS Lake Erie bắn trúng vệ tinh USA 193 khi nó đang bay với vận tốc 27.400 km/giờ ở quỹ đạo có độ cao 247 km.

Đã có không ít mối quan ngại xuất hiện khi vệ tinh do thám của Mỹ bị bắn tan từng mảnh trên bầu trời Thái Bình Dương. Hãng Reuters dẫn lời một số nhà quan sát nhận định mục tiêu của Nhà Trắng là ngăn chặn nguy cơ vệ tinh có chứa các thông tin tối mật có thể rơi xuống đất và lọt vào tay nước ngoài.

Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng đây là đòn răn đe ngầm của Mỹ trước việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự trên các khu vực chiến lược của thế giới, cũng như phản ứng lại vụ Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo phá hủy vệ tinh vào tháng 1-2007.

Chuyên gia Jonathan McDowell thuộc đại học Harvard bình luận: “Đây là lý do hoàn hảo để vung gươm và cho người Trung Quốc thấy rằng chúng ta (Mỹ) có khả năng tương tự”. 

Trong khi giới quan sát đua nhau bình luận về mục đích thật sự của Mỹ trong vụ bắn hạ vệ tinh do thám trên quỹ đạo, cả Nga và Trung Quốc đều đã chính thức lên tiếng bày tỏ lo ngại với hành động này của Mỹ, cho rằng điều đó có thể gây nguy hại đến an ninh không gian.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ mối lo ngại của chính phủ nước này đồng thời kêu gọi Chính quyền Mỹ “thực thi mọi nghĩa vụ quốc tế”. Bộ Quốc phòng Nga thì tuyên bố thẳng rằng Mỹ đang lợi dụng sự cố với vệ tinh do thám để thử nghiệm khả năng phá hủy vệ tinh của các quốc gia khác bằng hệ thống chống tên lửa của Mỹ.

Không biết có chủ ý hay không nhưng trước đó, khi Mỹ rậm rịch chuẩn bị cho kế hoạch phá hủy vệ tinh do thám trên quỹ đạo, Nga và Trung Quốc đã đề xuất một hiệp ước cấm dùng vũ khí trên không gian nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ.

Hòang Hà