Đòn phá ngầm quan hệ EU - Nga

ANTD.VN - Những cáo buộc không có cơ sở về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tháng 5 vừa qua được xem là đòn “phá ngầm” mối quan hệ giữa Matxcơva với Liên minh châu Âu (EU).

Nga bác bỏ cáo buộc việc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử EP cuối tháng 5 vừa qua

 

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexander Venediktov ngày 16-6 đã bác bỏ những cáo buộc nói rằng “Matxcơva sử dụng thông tin sai lệch để lôi kéo cử tri” ủng hộ các đảng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra từ ngày 23 đến 26-5 vừa qua. Ông Venediktov khẳng định, tới lúc này, “không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra cho cộng đồng quốc tế để chứng minh rằng Matxcơva đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ hoặc châu Âu”.

Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga phải lên tiếng bác bỏ sau khi một báo cáo của EU công bố ngày 14-6 cho rằng, “có bằng chứng cho thấy các nguồn thông tin trực tuyến của cả Nga lẫn châu Âu đã tìm cách thúc đẩy quan điểm cực đoan và gây thêm căng thẳng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề như di cư và tôn giáo". Cũng theo báo cáo này, Matxcơva đã sử dụng các kỹ thuật thông tin trực tuyến để đánh lạc hướng, bao gồm cả việc tạo các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, để cố gắng gây ảnh hưởng đến cử tri. 

Cáo buộc về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử EP được đưa ra sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu vào cơ quan lập pháp này của EU có tác động không nhỏ tới liên minh này trong nhiệm kỳ 5 năm tới 2019-2024. Theo đó, cho dù khối Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng chiếm nhiều ghế nhất trong EP có tổng số 751 ghế với lần lượt 178 và 152 ghế, song đã lần đầu tiên trong 20 năm qua mất đa số phiếu tại EP.

Trong khi đó, đảng Xanh và các đảng Cực hữu đã giành được kết quả đột phá tại cuộc bầu cử EP. Đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) lần đầu tiên trở thành lực lượng lớn thứ tư trong cơ quan lập pháp của EU với 67 ghế, còn các đảng Cực hữu giành số ghế gấp đôi nhiệm kỳ trước 2014-2019, từ 36 lên 72 ghế trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Thực ra, việc các chính đảng cách tả giảm sút vai trò trong EP cũng như trên chính trường châu Âu đã được thấy trước, minh chứng qua các cuộc tổng tuyển cử tại các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, EU vẫn cảnh báo và lo ngại về vấn nạn tin giả tác động tới kết quả các cuộc bầu cử, nhất là tại các cuộc bầu cử mang tính chất quan trọng tới đường hướng phát triển trong tương lai với các quốc gia thành viên hay cả liên minh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) Jean-Claude Juncker trước thềm cuộc bầu cử EP vừa qua đã cảnh báo không chỉ có một số nước ngoài EU mà còn cả một số nước thành viên của liên minh đã dùng “tin giả” nhằm tác động đến kết quả cuộc bầu cử quan trọng này.

Mạng xã hội có số người dùng nhiều bậc nhất thế giới là Facebook cũng đã gỡ bỏ nhiều tài khoản giả mạo vi phạm các chính sách xác thực tài khoản, đồng thời xóa bỏ nhiều trang đăng thông tin sai lệch, cũng như một số trang ban đầu chứa nội dung phi chính trị và thu hút được nhiều người theo dõi, sau đó đổi tên để trở thành các trang chính trị dịp bầu cử EP.

Nạn “tin giả” trong các cuộc bầu cử ở châu Âu cũng như trên thế giới hiện nay là có thực, song cáo buộc “thủ phạm” lại là chuyện hoàn toàn khác. Trước cuộc bầu cử EP, cũng đã có những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Thế nhưng, dù đã mở nhiều cuộc điều tra ở các cấp độ khác nhau, tuy nhiên giới chức Mỹ vẫn chưa phát hiện bằng chứng Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử nước này.

Vì thế, cáo buộc không có căn cứ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ trước đây và EP mới đây được cho là những đòn tấn công ngầm phá hoại quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Matxcơva với các đối tác quan trọng này.