Đói và chậm lương, binh sĩ Afghanistan đào ngũ hàng loạt

ANTĐ - Trong khi truyền hình nhà nước tuyển dụng tân binh bằng những hình ảnh đầy cảm hứng như cầm súng luyện tập, trang thiết bị đầy đủ, ăn uống xôm tụ trong hội trường… thì thực tế tại chiến trường của Afghanistan không hề như vậy.

Trung úy Amanullah (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong số hàng ngàn binh sĩ Afghanistan đang phải đấu tranh giữa việc đi và ở lại trong quân đội nhà nước, vì những điều kiện thiếu thốn đến mức khắc nghiệt.

Điều kiện sống khắc nghiệt

Amanullah đầu quân cho lực lượng chính phủ đã được 15 tháng với quyết tâm chiến đấu đẩy lùi tàn quân Taliban ra khỏi khu vực phía nam đất nước. Quyết tâm cao là vậy nhưng cuối cùng vào tháng 11-2015, viên trung úy đã đào ngũ vì không thể chịu được tình cảnh khốn khổ trên chiến trường.

Nhiều binh sĩ Afghanistan đào ngũ vì không chịu được điều kiện sống khắc nghiệt trong quân đội

Mọi thứ bắt đầu thay đổi với Amanullah vào cuối năm ngoái, khi anh cùng hàng nghìn binh sĩ khác phải chiến đấu với một cái dạ dày rỗng tuếch và không được trả lương trong nhiều tháng. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy được trang bị súng phóng lựu và súng máy, lại tấn công dồn dập các căn cứ của quân chính phủ từ mọi hướng trong 3 ngày liên tục.

Những giọt nước cuối cùng cũng đã cạn kiệt, dù yêu cầu tiếp viện đã được gửi đi nhiều ngày mà vẫn chưa được hồi âm. Xung quanh Amanullah, nhiều binh sĩ bị chảy máu đến chết chỉ vì thiếu vật tư y tế để chăm sóc.

Không chịu nổi được tình cảnh này, cuối cùng Amanullah cùng 3 binh sĩ khác đã trút bỏ bộ quân phục và đi bộ từ căn cứ gần Kandahar, một khu vực từ lâu đã trở thành thành trì của Taliban. “Tôi nhập ngũ để có thể giúp đỡ gia đình và phục vụ đất nước, nhưng thực sự đây là một nhiệm vụ tự sát”, trung úy trẻ 28 tuổi nói.

Trường hợp của Amanullah không phải là ít trong hàng ngũ quân đội Afghanistan, khi mà đời sống của binh sĩ không được đảm bảo, nhiều người đã chọn cách rời bỏ hàng ngũ để tìm một công việc khác.

Tổn thất nặng nề

Tỷ lệ đào ngũ tăng cao là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của lực lượng an ninh Afghanistan, theo nhận định của Giáo sư Michael Kugelman, thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson.

Ông Kugelman cũng cho rằng tỷ lệ đào ngũ càng cao cũng đồng nghĩa với việc “bất cứ khi nào lực lượng do Mỹ dẫn đầu rời khỏi Afghanistan, quân đội nước này khó lòng chống đỡ lại các cuộc nổi dậy vẫn còn diễn ra dữ dội”.

Binh sĩ Afghanistan tuần tra tại một tiền đồn ở tỉnh Helmand, Afghanistan tháng 12-2015

NATO đã kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan vào cuối năm 2014, nhưng một lực lượng nhỏ vẫn ở lại để đào tạo và tư vấn cho quân đội nước này. Lo ngại Taliban có thể trỗi dậy trở lại, Mỹ quyết định làm chậm tốc độ rút quân ở Afghanistan vào năm ngoái.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, quân đội Afghanistan đã phải tuyển dụng thêm 170.000 binh sĩ vì đào ngũ, thương vong và tỷ lệ tái nhập ngũ thấp, theo số liệu công bố của quân đội Mỹ vào tháng 12-2015.

Mỹ đã chi khoảng 65 tỷ USD để đào tạo cho lực lượng còn non trẻ của Afghanistan. Dự kiến, khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan thì binh sĩ nước này sẽ lên đến khoảng 350.000 người.

Tướng Mỹ John Campbell, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan nói tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 10-2015 rằng, tỷ lệ đào ngũ ở nước này tăng cao là do không có sự lãnh đạo đúng đắn và binh sĩ hiếm khi có một kỳ nghỉ, một khi đã tham gia chiến đấu. “Ở một số vùng, người lính có thể phải làm nhiệm vụ liên tục trong 3 năm”, ông Campbell nói.

Tuyển dụng binh sĩ màu hồng

Trong khi truyền hình nhà nước thường xuyên phát những bản tin tuyển dụng binh sĩ vào giờ cao điểm, bằng những hình ảnh đầy cảm hứng như cầm súng luyện tập, trang thiết bị đầy đủ, ăn uống xôm tụ trong hội trường… thì thực tế tại chiến trường của Afghanistan không hề như vậy.
Đói và chậm lương, binh sĩ Afghanistan đào ngũ hàng loạt  ảnh 3

Binh sĩ Afghanistan tham gia vào một buổi tập luyện tại Trung tâm đào tạo quân sự Kabul 

Những người đào ngũ phàn nàn rằng chỉ huy của họ không có năng lực lãnh đạo, không có chiến lược trong chiến đấu, đặc biệt xuất hiện các tình trạng tham nhũng trong các chỉ huy và họ luôn luôn phải đối mặt với việc thiếu thực phẩm và trang thiết bị nghèo nàn.

“Không một ngày nào trôi qua mà không có tiếng súng nổ, tiếng bom dội, tiếng pháo kích ngoài đường. Chúng tôi đã bị đối xử như thể không có giá trị”, Farooq, một sĩ quan cảnh sát ở tỉnh Helmand, người đã bỏ nhiệm vụ của mình ba tháng trước cho biết.

Dù chính phủ Afghanistan đã cam kết sẽ làm việc để cải thiện điều kiện cho lực lượng an ninh nhưng không biết liệu rằng cho đến bao giờ họ mới lấy lại được niềm tin của binh sĩ.

Trở lại với câu chuyện của trung úy Amanullah, sau khi đào ngũ anh phải vật lộn để tìm được việc làm trong một quốc gia vốn dĩ khó khăn vì chiến tranh. Cuối cùng, Amanullah lại quyết định nộp đơn tái nhập ngũ với mức lương 300USD/tháng và hy vọng một cuộc sống hoàn toàn khác trước trong quân đội.

“Tôi hy vọng mình sẽ được nhận nhiệm vụ trong một khu vực an toàn và dưới trướng của những chỉ huy tốt hơn”, Amanullah nói.