Đối thoại Shangri-La 2018 nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực

ANTD.VN - Hôm qua 3-6, Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đã bế mạc sau 3 ngày làm việc với 5 phiên toàn thể và 4 phiên đồng thời. 

Đối thoại Shangri-La 2018 nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực ảnh 1Toàn cản Diễn đàn an ninh đối thoại Shangri-La 2018

Châu Á sẽ có một tương lai tốt đẹp

Đối thoại Shangri-La 2018 năm nay đã thu hút hơn 500 đại biểu quan chức quốc phòng, an ninh và giới học giả đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có đến 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng các quốc gia đến dự. Ngoài chủ đề chính bàn thảo về các vấn đề an ninh khu vực, nhưng bên cạnh đó tình trạng căng thẳng ở Biển Đông ngày càng leo thang và vấn đề phi hạt nhân hóa cũng được đa số các đại biểu quan tâm.

Theo Giám đốc điều hành châu Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS), ông Tim  Huxley cho biết, Đối thoại Shangri-La 2018 có 5 phiên thảo luận chính thức gồm: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; vấn đề hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; tăng cường nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Ngoài ra, chiến lược phát triển công nghệ mới, tương lai của xung đột, tăng cường an ninh hàng hải, các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. 

Qua Đối thoại Shangri-La 2018, chính sách hướng đông của Ấn Độ đã một lần nữa được khẳng định qua bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Singapore trong tuần qua. Ông Modi cho biết vai trò của Ấn Độ trong việc định hình trật tự trong bối cảnh thế giới liên tiếp xảy ra những bất ổn và đưa ra cách tiếp cận hòa bình trong các vấn đề ở Đông Nam Á. Ông Modi cũng kêu gọi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chấp nhận tự do hàng hải, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng các quốc gia đối tác và “châu Á sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng hợp tác trong sự tin cậy, quan tâm đến quyền lợi của các bên”. 

Duy trì xu thế phát triển thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương

Cũng tại Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang đi ngược lại với sự cởi mở trong các cam kết chiến lược của Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi một số mối quan hệ mang tính xây dựng nhằm hướng tới những lợi ích chung, trong đó có cả Trung Quốc, tuy nhiên cũng có thể cạnh tranh mạnh mẽ khi hợp tác. Bên cạnh đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của Mỹ nên Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ đồng minh của mình trong mọi hợp tác đa phương. 

Về phía chủ nhà Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen nhấn mạnh diễn biến khu vực cùng sự thay đổi cán cân quyền lực của các nước lớn đang khiến cho trật tự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng thay đổi. Do đó, các bên cần tăng cường phối hợp xây dựng và củng cố một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để tiếp tục duy trì xu thế phát triển thịnh vượng của khu vực này. Ngoài ra, Bộ trưởng Ng Eng Hen còn cho biết, Singapore đang nỗ lực phối hợp với các bên để xây dựng khung hướng dẫn nhằm tránh những va chạm, xung đột ngoài ý muốn trên không cũng như trên biển. 

Vấn đề khủng bố cũng được các đại biểu quan tâm bởi nó đã tạo ra những nguy cơ bất ổn về an ninh trong khu vực cũng như cần phải có những biện pháp trước những thách thức an ninh mà cả khu vực đang phải đối mặt. Như vậy, sau 3 ngày họp với 5 phiên thảo luận, Đối thoại Shangri-La 2018 đã chính thức khép lại với cam kết và đề xuất của các thành viên tham dự nhằm giải quyết những vấn đề nóng của khu vực.