"Đời sống" khó khăn hậu Brexit với EU và Anh

ANTD.VN - Cả Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh cùng đang phải trải qua một giai đoạn nhiều khó khăn sau khi đảo quốc sương mù rời khỏi liên minh hiện có 27 thành viên (Brexit).

"Đời sống" khó khăn hậu Brexit với EU và Anh ảnh 1Nữ Thủ tướng Anh Theresa May trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker về giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit 

Ủy ban châu Âu đã khởi động các cuộc thảo luận gai góc về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khỏi liên minh - gọi là Brexit. Cơ quan hành pháp của EU lo ngại rằng, sự ra đi của một thành viên đóng góp nhiều cho ngân sách chung của Khối như nước Anh sẽ khiến nguồn tài chính cho một vài lĩnh vực sẽ bị cắt giảm để dồn nguồn lực cho một số chương trình chung. 

Được biết, khuôn khổ tài chính hiện tại của EU là dành cho giai đoạn 2014-2020 với trần chi tiêu cố định vào khoảng 963 tỷ Euro cho thời gian 7 năm này. Dù đã đạt được thỏa thuận chính thức rời khỏi EU từ tháng 3-2019, song nước Anh vẫn cam kết đóng góp ngân sách cho liên minh này đến hết năm 2020. Như vậy, kể từ năm 2021, ngân sách hoạt động của EU sẽ thiếu hụt phần đóng góp tài chính của nước Anh, ước khoảng 12-13 tỷ Euro mỗi năm. Trong giai đoạn khởi động thương lượng về sự đóng góp tài chính cho ngân sách EU thời gian tới, một cuộc đàm phán vốn rất khó khăn, luôn có sự “cò kè bớt một, thêm hai” giữa các quốc gia thành viên liên minh.

Vấn đề tài chính cho ngân sách EU chỉ là một trong những thách thức, khó khăn mà liên minh này phải đối mặt sau cuộc “ly hôn” với nước Anh. Thế nhưng, ở phía “người ra đi”, nước Anh cũng đang phải vật lộn thời hậu Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May ngày 8-1 đã tiến hành cải tổ Nội các, động thái mà có những ý kiến cho rằng tạo điều kiện cho quá trình Brexit diễn ra bớt “đau đớn” hơn với xứ sở sương mù.

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại sau khi chia tay một liên minh hàng đầu thế giới gồm 28 thành viên, nước Anh muốn tiếp tục được nhận những ưu ái trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn cũng như đảm bảo trong các vấn đề an ninh khác. Các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp dự kiến được khởi động ngay từ tháng 1 này, trong đó có thảo luận về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU, bao gồm thỏa thuận thương mại, an ninh giữa hai bên để chuẩn bị cho việc Anh rời EU vào tháng 3-2019.

Một trong những mối quan hệ mà Anh muốn tiếp tục duy trì nhất với EU thời hậu Brexit là London mong muốn đàm phán về một thỏa thuận thương mại đặc biệt trong tương lai với liên minh, thay vì sao chép các thỏa thuận hiện hành giữa EU với Canada. “Thỏa thuận thương mại đặc biệt” này, theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, là một thỏa thuận dựa trên nền tảng cơ bản là quan hệ vốn có giữa Anh và EU, nói cách khác muốn duy trì quan hệ kinh tế với khối thương mại lớn nhất thế giới này với một tư cách đặc biệt, hơn cả những đối tác thân thiết lâu nay như Canada.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết EU mong muốn giai đoạn chuyển tiếp Brexit chỉ nên kéo dài từ ngày thỏa thuận Brexit có hiệu lực từ   29-3-2019, thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU, đến hết ngày 31-12-2020. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh vẫn là một phần trong thị trường chung của liên minh, phải tuân thủ mọi quy định của EU, bao gồm quyền tự do nhập cư của công dân EU. Anh cũng phải chấp hành quy định của Tòa Công lý châu Âu (ECJ), trong khi không được tham gia việc ra quyết định của EU.