Đối sách của Trung Quốc trước sức ép thương mại cực lớn do Mỹ tạo ra

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ D. Trump mới đây tuyên bố có thể áp thuế thêm lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả đến cùng nếu Mỹ leo thang căng thẳng. Vậy, Trung Quốc sẽ dùng đối sách nào trước những sức ép liên tiếp từ phía Mỹ trong thời gian qua?

Mỹ gia tăng áp lực

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc bị bế tắc, Chính quyền Mỹ đã chính thức khởi động lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc:

(1) Ngày 10-5-2019, Tổng thống D. Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với lượng hàng hóa còn lại có trị giá trên 325 tỷ USD.

(2) Ngày 16-5, Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào "danh sách đen" thương mại Entity List, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5, qua đó làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian tới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay.

(3) Ngày 19-5, một loạt công ty công nghệ Mỹ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký. Các công ty Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều sẽ tuân lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.

Theo BBC, trong năm 2018, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong khi lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc năm đó là 539 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, so với con số 120 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Tác động và đối sách

Theo IMF, trong bối cảnh "ăn miếng, trả miếng" như hiện nay, hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm từ 30-70% trong dài hạn, tổn thất GDP thực tế hàng năm từ 0,3-0,6. Ảnh hưởng của việc áp thuế với Trung Quốc lớn hơn vì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc so với chiều ngược lại. Các ngành sản xuất hàng điện tử, các ngành chế tạo khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi ngành nông nghiệp của Mỹ sẽ suy giảm đáng kể.

Ảnh minh họa: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như trật tự kinh tế toàn cầu, khủng hoảng ở bên ngoài hình thành xu thế buộc phải cải cách ở trong nước. Gần 2 năm qua, tiến trình cải cách mở cửa của Trung Quốc không ngừng được đẩy nhanh, đi sâu cải cách theo hướng trọng cung, đẩy nhanh xây dựng quốc gia theo mô hình đổi mới sáng tạo, thực hiện toàn diện chế độ danh sách hạn chế tiếp cận thị trường, thúc đẩy thống nhất thị trường và cạnh tranh công bằng, tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi chức năng của chính phủ, liên tục đưa ra những chính sách để mở rộng nhu cầu trong nước.

Ngoài đẩy nhanh cải cách mang tính cơ cấu, điều quan trọng hơn là thiết lập toàn diện chiến lược "cường quốc công nghệ" và "quốc gia đổi mới sáng tạo", thông qua mở cửa mang tính cơ chế và tham gia thúc đẩy mạnh lưới khu vực thương mại tự do song phương, đa phương, tạo môi trường phát triển ở Trung Quốc và nước ngoài cởi mở hơn cho sự phát triển trong tương lai.

Thứ nhất, chuyển mô hình chuỗi giá trị toàn cầu sang mô hình kết nối giữa chuỗi giá trị toàn cầu với chuỗi giá trị quốc gia.

Từ góc độ phân công ngành nghề, sự phát triển của ngành công nghiệp và sản xuất của Trung quốc trước kia phần nhiều nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu dưới mô hình phân công sản xuất toàn cầu, mà còn coi nhẹ nhu cầu của thị trường nội địa. Trong tình hình xung đột thương mại Mỹ-Trung gia tăng, lợi thế so sánh về giá nhân công thấp và giá hàng hóa thấp dần dần mất đi đòi hỏi Trung Quốc phải xem xét lại cục diện ngành sản xuất toàn cầu, chuyển đổi mô hình chỉ đơn thuần dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) trước đây sang chuỗi giá trị quốc gia (NVC), hình thành mô hình chuỗi giá trị phối hợp giữa GVC và NVC, đây cũng là cách quan trọng để giảm bớt xung đột thương mại quốc tế, nâng cao chuỗi giá trị của ngành sản xuất Trung Quốc.

Thứ hai, tránh rủi ro bị gián đoạn chuỗi cung ứng, nhanh chóng thay thế nhập khẩu.

Thay thế nhập khẩu không có nghĩa là từ bỏ nhập khẩu, cũng không có nghĩa là tự đóng cửa nước mình, ưu thế này được thể hiện ở: (1) Có thể tạo ra môi trường tăng trưởng ôn hòa để phát triển công nghiệp của nước mình, hình thành năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ của chính nước mình; (2) Cải thiện cơ cấu kinh tế, tăng cường tính độc lập của tăng trưởng kinh tế; (3) Nâng cao địa vị đất nước trong hệ thống phân công quốc tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Trước những thay đổi của tình hình thế giới và cục diện kinh tế đất nước, thay thế nhập khẩu sẽ giúp nâng cấp ngành nghề trong nước, xây dựng lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Mỹ-Trung trong cuộc chiến thương mại chưa hồi kết

Do đó, đẩy nhanh thay thế một số sản phẩm nhập khẩu, tăng cường đầu tư đổi mới ngành công nghệ cao, tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành sản xuất, nâng cao tỷ trọng giá trị đi kèm, gia tăng toàn diện phân khúc của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển "khủng hoảng" thành "cơ hội" thực sự.

Thứ ba, thông qua hợp tác quốc tế - sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) để tái cơ cấu chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu sản phẩm lớn nhất và nước đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất của 25 quốc gia dọc theo BRI, dựa vào lợi thế so sánh của các nước, kết hợp giữa năng lực sản xuất có ưu thế và nguồn lực ưu việt của Trung Quốc với công nghệ then chốt của các nước phát triển ở châu Âu và nhu cầu phát triển của những nước khác thuộc sáng kiến BRI, thông qua tăng cường mở cửa thị trường và điều chỉnh sử dụng nguồn lực sẽ giúp hình thành thị trường của những yếu tố, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường công nghệ.... kết nối BRI, xây dựng hệ thống phân công sản xuất xuyên biên giới, khu vực thương mại tự do..., đẩy nhanh sự chuyển dịch ngành nghề của Trung Quốc và hợp tác năng lực sản xuất quốc tế, thúc đẩy nhiều quốc gia hơn ở dọc BRI hội nhập vào hệ thống mạng lưới cung ứng toàn cầu, nâng cao mạnh mẽ năng suất lao động. Về lâu dài, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ thúc đẩy tốc độ phân bố các ngành của Trung Quốc trên toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi dịch vụ trong BRI.

Thứ tư, đẩy manh việc ký thỏa thuận thương mại tự do song phương và đa phương với các nền kinh tế khác.

Trên thực tế, nhu cầu của thế giới trong vài chục năm qua chủ yếu đến từ các nền kinh tế phát triển, đến nay cùng với sự gia tăng quy mô lớn của thị trường mới nổi và sự thay đổi của mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị đang được phân bố lại. Tập đoàn McKinsey của Mỹ dự báo đến năm 2025, thị trường mới nổi sẽ tiêu thụ gần 2/3 hàng hóa của thế giới (sản phẩm trung gian, sản phẩm vốn), trong đó bao gồm các sản phẩm như ô tô, sản phẩm xây dựng, máy móc... Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, tỷ lệ xuất khẩu của Trung Quốc so với các nước ngoài câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tăng từ 43% lên 48%.

Do đó, trên các nền tảng nâng cấp khu vực thương mại tự do (FTA) hiện có, phải nhanh chóng thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, đàm phán Hiệp định đầu tư Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU), nhanh chóng xây dựng khuôn khổ mạng lưới thương mại tự do đứng vững ở xung quanh Trung Quốc, lan tỏa BRI, hướng đến khuôn khổ mạng lưới khu vực thương mại tự do toàn cầu, nhanh chóng cải cách hiện đại hóa WTO, tham gia và thúc đẩy thương mại quốc tế và thiết lập trật tự mới đa phương, giành không gian phát triển có lợi cho Trung Quốc trong tương lai.

Thời gian tới, bên cạnh chính sách thuế quan, vốn sẽ gây tổn thương cả cho nền kinh tế đang cần nhập khẩu công nghệ của mình, Trung Quốc hoặc sẽ sớm phải nhượng bộ trước Mỹ hoặc sẽ phải sẽ phải vận dụng đến những lá bài khác bao gồm cả việc sử dụng dự trữ ngoại hối để "trị thương, dưỡng bệnh" và can thiệp vào tỷ giá hối đoái - một công cụ điều tiết xuất nhập khẩu - nếu tình trạng chiến tranh thương mại kéo dài.