Đối phó với phương Tây, IS có thể sử dụng virus Ebola làm bom tự sát

ANTĐ - Chuyên gia quân sự Mỹ lo ngại các chiến binh của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể sử dụng virus Ebola như là vũ khí sinh học tự sát để chống lại phương Tây. 

Virus Ebola lây truyền thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hay người đang có triệu chứng bệnh. Theo Đại tá Al Shimkus, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia tại đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, việc các chiến binh cực đoan IS có thể tiếp cận các nguồn lây nhiễm virus, sau đó đến các nước mà chúng có ý định tàn phá, là hoàn toàn có thể xảy ra,.

Trả lời tạp chí Forbes, ông Shimkus nói rằng “cá nhân phơi nhiễm virus Ebola trở thành phương tiện mang theo mầm bệnh. Trong trường hợp khủng bố, nó không quá phức tạp để sử dụng một người như là phương tiện vận chuyển”.

Giáo sư Anthony Glees, giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và tình báo của Trường Đại học Buckingham cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Glees cho rằng: “Trong một số trường hợp, đây là giả thuyết có thể xảy ra. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tin vào sứ mệnh tự sát và đây là khả năng chúng có thể thực hiện. Chúng có kinh nghiệm và đủ thông tin để cân nhắc âm mưu này”.

Đại dịch Ebola đang hoành hành tại các nước Tây phi, với hơn 3.800 trường hợp đã tử vong chỉ trong vài tháng. Mới đây, những ca nhiễm bệnh đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu và Mỹ.

Theo các chuyên gia, khả năng các chiến binh IS làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn là chuyện có thể xảy ra.
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo

Trong bài báo được đăng trên tạp chí Chính sách toàn cầu, phóng viên Amanda Teckman từng đưa ra kết luận: “Nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố sinh học bằng virus Ebola ở Đông Phi là một vấn đề lo ngại đối với sức khỏe và an ninh toàn cầu và không thể bỏ qua”.

Andreas Krieg, chuyên gia an ninh Trung Đông tại trường Đại học London cho rằng: “Việc chiến binh IS sử dụng virus Ebola vì nó là một nguồn giá rẻ và dễ tiếp cận ở Tây Phi là chuyện chắc chắn có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, với nỗ lực của tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, việc “xuất khẩu” virus thông qua đường hàng không đến những nơi khác khác trên thế giới sẽ càng khó xảy ra hơn. Điều này đòi hỏi cần nhiều nỗ lực và có rất ít cơ hội thành công”.

Bên cạnh đó, ông Krieg cho rằng: “Hiện tại, nhóm phiến quân IS đang tập trung vào việc mở rộng lãnh thổ và tạo ảnh hưởng ở Syria và Iraq, chứ không phải là các nước phương Tây. Hơn nữa, âm mưu này khá nguy hiểm do chúng có thể là nguồn lây bệnh cho chính các chiến binh khác, cũng như những người sống trong lãnh thổ chúng kiểm soát”.